Tour Du Lịch Việt Nam - Viet Fun Travel - Du Lịch Việt Vui

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch núi Sam: có gì, ở đâu và cao bao nhiêu?

  • 0 nhận xét
  • Chia sẻ kinh nghiệm du lịch núi Sam: có gì, ở đâu và cao bao nhiêu?
    4.3/5 sao 9 lượt

Không phải là một ngọn núi lớn và hùng vĩ nhưng núi Sam lại là địa điểm nổi tiếng được nhiều người biết đến. Điều gì đã làm nên danh tiếng và sức hút của núi Sam? Mời du khách cùng tìm câu trả lời qua bài viết “chia sẻ kinh nghiệm du lịch núi Sam: có gì, ở đâu và cao bao nhiêu?” của Viet Fun Travel.

1. Núi Sam ở đâu?

Núi Sam nằm trong vùng Bảy Núi, Châu Đốc, An Giang. Núi Sam cao 228m, nằm giữa đồng bằng Long Xuyên như một con sam lớn. Tên chữ của núi Sam là Vĩnh Tế Sơn do vua Minh Mạng đặt. Núi Sam nằm cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 62km và cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 6km.


Núi Sam cao 228m, nằm giữa đồng bằng Long Xuyên như một con sam lớn

Núi Sam thực chất là một ngọn núi nhỏ, chu vi của núi chỉ hơn 5200 mét. Nhưng Núi Sam lại rất nổi tiếng cả về mặt thắng cảnh lẫn tâm linh. Trên núi có tới hàng trăm ngôi chùa, am, cốc lớn nhỏ khác nhau. Khung cảnh trên núi cũng rất đẹp và đặc sắc.

2. Núi Sam đi mùa nào đẹp?

Núi Sam Châu Đốc nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa khô và mùa mưa rõ rệt trong năm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Nhiệt độ trung bình trong năm của Núi Sam là khoảng 27 độ, khí hậu nhìn chung ôn hòa và dễ chịu.

Do đó, du khách có thể đi tham quan Núi Sam quanh năm. Mỗi mùa, Núi Sam lại có một vẻ đẹp riêng. Mùa khô đem đến cho du khách những khung cảnh thiên nhiên mát mẻ, nắng ráo nên thuận tiện cho việc leo núi, chụp ảnh, vãng cảnh. Còn vào mùa mưa, du khách sẽ được thấy một Núi Sam đầy tươi mát, cây cối như đang vươn mình mạnh mẽ sau những cơn mưa.

Tuy rằng việc leo núi sẽ khó khăn hơn khi trời mưa nhưng cảnh vật sau mưa trên Núi Sam lại vô cùng đẹp. Hoặc du khách cũng có thể đi Núi Sam vào mùa lúa. Lúc này Núi Sam sẽ được bao quanh bởi màu vàng óng của lúa chín, nhìn từ trên núi xuống, khung cảnh cánh đồng mênh mông nhuốm màu vàng rực quả thật là rất đẹp.

Một năm thường có 3 mùa lúa: từ tháng 4 đến đầu tháng 7, tháng 8 đến đầu tháng 11, tháng 12 đến đầu tháng 3. Du khách nên sắp xếp đi vào những ngày lúa chín, không nên đi vào khi lúa đã được thu hoạch vì cảnh vật sẽ không đẹp bằng khi lúa chín.

3. Núi Sam có gì?

Trước kia, trên các hốc núi của Núi Sam có nhiều cây huỳnh mai và phượng vĩ. Khi đến mùa, các cây trổ bông đỏ thắm nhìn rất đẹp. Nhưng đến nay, Núi Sam không còn nhiều hai loại cây này. Vì thế, cảnh sắc của Núi Sam có giảm đi vài phần tươi đẹp. Tuy nhiên, Núi Sam vẫn rất hấp dẫn với không khí mát mẻ, cây cối um tùm và phong cảnh yên bình, êm ả.


Đường lên Núi Sam rất mát mẻ giữa cây cối um tùm

Dọc theo con đường lên Núi Sam An Giang, du khách có thể thấy nhiều loài cây mọc chen chúc, một số đoạn có rừng tầm vông, thỉnh thoảng lại có những dây hoa tigon đủ màu sặc sỡ nhìn rất đẹp mắt. Con đường lên núi quanh co uốn lượn, du khách có thể thỏa sức tận hưởng không khí trong lành, đắm mình vào tiếng chim hót líu lo và để lòng mình lắng đọng, thư giãn trong khung cảnh thiên nhiên đầy chất thơ.

Nổi tiếng nhất trên Núi Sam là miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Phước Điền và lăng Thoại Ngọc Hầu. Đây đều là những hạng mục được nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia:

- Miếu Bà Chúa Xứ: Nằm dưới chân Núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ là một ngôi chùa linh thiêng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt người đến chiêm bái, cúng tế. Có nhiều truyền thuyết nói về sự ra đời của miếu Bà Chúa Xứ nhưng điểm chính trong đó đều là tượng Bà đột nhiên xuất hiện trên đỉnh núi, sau đó được thỉnh về lập miếu.


Miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân Núi Sam và là địa điểm tâm linh thu hút nhiều người đến cúng bái

Miếu Bà Chúa Xứ có dạng hình khối tháp theo chữ Quốc, mái lợp ngói đại ống màu xanh, có ba tầng lầu, các góc mái vút cao hình mũi nhọn. Nhìn từ xa, miếu Bà Chúa Xứ rất nổi bật trên nền xanh thảm của Núi Sam. Ngày lễ Vía Bà Chúa Xứ là ngày 23 – 27/ 4 Âm lịch hàng năm. Vào những ngày lễ Vía này, miếu Bà Chúa Xứ nghìn nghịt người thập phương đến cúng bái.

Nơi này được xem là linh thiêng và thường đông người đến viếng ngay cả lúc nửa đêm. Đây được xem là di tích lịch sử, tâm linh và kiến trúc nổi tiếng của An Giang.

- Lăng Thoại Ngọc Hầu: Còn gọi là Sơn Lăng, lăng Thoại Ngọc Hầu nằm ở vị trí mà chính Thoại Ngọc Hầu lựa chọn cho mình. Lăng này là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời nhà Nguyễn nằm ở chân Núi Sam. Khi đến địa điểm này, du khách có thể thấy được những nét kiến trúc tiêu biểu trong xây dựng lăng mộ thời nhà Nguyễn.


Lăng Thoại Ngọc Hầu được xây dựng từ thời nhà Nguyễn

Năm 2010, trong lúc tu bổ lại lăng Thoại Ngọc Hầu, người ta đã phát hiện được hàng trăm hiện vật được tùy táng bên mộ của hai bà vợ Thoại Ngọc Hầu. Những hiện vật này đã cho thấy một phần bức tranh sinh hoạt trong gia đình quan lại phong kiến thời xưa với nhiều nét đặc sắc.

- Tây An cổ tự: Là một ngôi chùa cổ nằm ở chân Núi Sam, chùa Tây An được xây dựng từ thế kỷ 19. Ngôi chùa này rất nổi bật với kiến trúc cổ dân tộc của Việt Nam kết hợp một cách khéo léo với phong cách kiến trúc của Ấn Độ. Tây An cổ tự có những mái vòm cao, đỉnh nhọn và màu vàng nổi bật giống như kiến trúc tháp của Ấn Độ.

Các bức tượng, hoành phi, câu đối trong chùa được chạm khắc tinh xảo, công phu và tỉ mẩn. Các bức tượng này tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ của thế kỷ 19 ở nước ta. Chùa có vị trí dựa lưng vào Núi Sam, xung quanh cây cối xanh tốt nên đã trở thành một điểm nhấn cho khung cảnh của Núi Sam.

- Chùa Phước Điền: Còn gọi là chùa Hang, chùa Phước Điền nằm nổi bật trên triền Núi Sam. Chùa bắt đầu được xây dựng từ những năm 1840 – 1850 với mái lá, vách tre. Đến năm 1885, chùa được tu bổ lại bằng gạch tàu, gỗ căm xe. Đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Bên cạnh chùa có một hang sâu, tương truyền trước kia từng có đôi mãng xà lớn sinh sống và thường đến chùa nghe kinh Phật.


Chùa Hang ở Núi Sam nổi bật với nét cổ kính

Chùa Hang mang nét cổ kính và trang nghiêm với những bậc đá cao, tòa bảo tháp uy nghi trên triền núi, những con đường trong chùa nhuốm màu rêu phong. Đứng từ sân chùa, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh Núi Sam và tận hưởng những làn gió mát lành.

- Chùa Long Sơn: Nằm trên đường lên đỉnh Núi Sam, chùa Long Sơn cũng có không gian rất thoáng mát và kiến trúc đượm nhiều nét cổ kính. Từ chùa Long Sơn, du khách có thể thấy thành phố bên dưới và cánh đồng lúa trải dài trong tầm mắt. Ngắm hoàng hôn hoặc bình minh từ chùa Long Sơn thì rất đẹp và thanh bình.

Ngoài những ngôi chùa, miếu, lăng nổi tiếng ở trên, Núi Sam còn hơn 200 ngôi chùa, miếu, mạo, am nằm trải dài từ chân núi lên đỉnh núi. Do đó, nơi này rất thích hợp để du khách hành hương dịp đầu năm hoặc ghé thăm để tìm lại những giây phút bình yên, lắng đọng. Mong rằng những thông tin trong bài viết trên của Viet Fun Travel sẽ giúp du khách đi đến Núi Sam một cách thuận lợi hơn.

Du lịch Việt Vui tổng hợp

Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Chia sẻ kinh nghiệm du lịch núi Sam: có gì, ở đâu và cao bao nhiêu?

Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.

Không có bình luận.

Đang chuyển đổi...

Vui lòng chờ trong giây lát

Hotline
HOTLINE HỖ TRỢ
Call