địa chỉ chùa Tàu đà Lạt nằm ở đâu?
- Fri, 13/11/2020
- 0 nhận xét
Ẩn giấu giữa những cánh đồng hoa rực rỡ Đà Lạt là những ngôi chùa cổ rất nổi tiếng. Hôm nay, Viet Fun Travel sẽ giới thiệu đến du khách một ngôi chùa độc đáo tên là chùa Thiên Vương Cổ Sát. Ngôi chùa này còn có tên gọi khác là chùa Tàu. Vậy tại sao chùa lại được gọi là chùa Tàu? Địa chỉ chùa Tàu Đà Lạt nằm ở đâu? Những câu hỏi đó của du khách sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Chùa Tàu là một địa điểm tham quan hấp dẫn ở Đà Lạt
1. Địa chỉ chùa Tàu Đà Lạt nằm ở đâu?
Đến du lịch tại thành phố Đà Lạt, du khách không nên bỏ qua cơ hội khám phá ngôi chùa Tàu nổi tiếng nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 5km. Chùa còn có một tên gọi khác là chùa Thiên Vương Cổ Sát. Tuy nhiên, người dân cũng như khách du lịch Đà Lạt thích gọi chùa là chùa Tàu hơn bởi chùa được xây dựng gắn liền với sự có mặt của người Tàu ở Đà Lạt.
Khuôn viên chùa nằm giữa đồi thông tuyệt đẹp
Có lẽ điều mà du khách đang muốn biết nhất hiện nay là địa chỉ chùa Tàu Đà Lạt ở đâu phải không? Địa chỉ chùa Tàu Đà Lạt ở số 385 đường Khe Sanh, thuộc P.10, TP.Đà Lạt. Chùa được xây dựng vào năm 1958. Người đã có công dựng nên chùa Tàu là hòa thượng Thọ Dã – một phật tử người Hoa tu ở hội quán Triều Châu.
Sau khi được tu sửa vào năm 1989, chùa Tàu trở thành một trong những địa điểm du lịch Đà Lạt thu hút Phật tử khắp nơi đến tham quan, cúng viếng. Mỗi ngày, chùa mở cửa đón hàng chục thậm chí hàng trăm lượt du khách Đà Lạt đến tham quan.
2. Hướng dẫn đường đi chùa Tàu Đà Lạt
Chùa Tàu Đà Lạt nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chỉ 5km nên du khách có nhiều lộ trình khác nhau để đi chùa Tàu. Tuy nhiên, lộ trình được nhiều du khách lựa chọn để đi chùa Tàu có điểm xuất phát là chợ Đà Lạt. Ưu điểm của lộ trình này là đường rất dễ đi.
Du khách đến tham quan chùa Tàu sẽ được chụp rất nhiều bức ảnh đẹp
Xuất phát từ chợ Đà Lạt, du khách sẽ di chuyển theo đường Nguyễn Thị Minh Khai ra đài phun nước. Sau đó, du khách rẽ vào đường Trần Quốc Toản, chạy dọc theo Hồ Xuân Hương đến vòng xoay gần quảng trường Lâm Viên thì chạy về đường Hồ Tùng Mậu. Đi hết đường Hồ Tùng Mậu, du khách sẽ gặp vòng xoay đường Trần Hưng Đạo.
Từ đây, du khách di chuyển thẳng theo đường Trần Hưng Đạo, đến hết đường gặp vòng xoay lớn thì du khách rẽ về đường Khe Sanh. Đi theo đường Khe Sanh khoảng 400m, du khách sẽ gặp cổng Tam Quan của chùa Tàu.
3. Tại sao lại có tên gọi chùa Tàu?
Chắc hẳn rằng những du khách lần đầu tiên đặt chân đến chùa Tàu Đà Lạt đều tự hỏi vì sao chùa lại có tên là chùa Tàu phải không? Thật ra, tên gọi chính thức của chùa là Thiên Vương Cổ Sát Tự. Cái tên này xuất phát từ 4 bức tượng Tứ Đại Thiên Vương: Tăng Trưởng Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương đặt ở 4 góc Từ Bi Bảo Điện nằm ngay lối vào chùa.
Chùa có tên gọi là chùa Tàu vì tu sĩ trong chùa đều biết tiếng Hoa
Còn tên gọi chùa Tàu là tên người bản địa đặt cho chùa để đánh dấu công sức của những người gốc Hoa đã có công xây dựng nên ngôi chùa khang trang này. Một điều đặc biệt mà có lẽ du khách chưa biết đó chính là toàn bộ tăng ni tu hành ở chùa Tàu đều thông thạo tiếng Quảng Đông.
Ngoài tên gọi chùa Tàu và Thiên Vương Cổ Sát Tự, chùa Tàu Đà Lạt còn có một tên gọi khác là chùa Phật Trầm. Được biết, tên gọi này xuất phát từ 3 pho tượng Phật đặt tại Quang Minh Bảo Điện của chùa. Cả 3 pho tượng này được mang về từ Hong Kong. Mỗi pho tượng nặng khoảng 1500kg, được làm bằng gỗ trầm.
4. Chùa Tàu Đà Lạt có gì hấp dẫn?
- Kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa Hoa
Từ Bi Bảo Điện chùa Tàu thờ Phật Di Lặc và Tứ Đại Thiên Vương của người Hoa
Điểm nhấn đầu tiên mà chùa Tàu Đà Lạt mang đến cho du khách tham quan đó chính là nét đẹp kiến trúc của một ngôi chùa Hoa. Khác với những ngôi chùa khác ở Đà Lạt như Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt hay chùa ve chai Đà Lạt, chùa Tàu Đà Lạt có kiến trúc rất đặc biệt. Sau khi bước qua cổng chính, nơi đầu tiên du khách đến chính là Từ Bi Bảo Điện. Qua Từ Bi Bảo Điện, du khách sẽ đến Quang Minh Bảo Điện và cuối cùng là nơi đặt tượng Phật Thích Ca cao 10m.
Tại Từ Bi Bảo Điện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng, cúng bái trước tượng Phật Di Lặc cao 3m. Ở 4 góc Từ Bi Bảo Điện có Tứ Đại Thiên Vương bảo vệ, tạo không khí trang nghiêm của một nơi thờ tự. Nhiều du khách còn thắp hương thờ cúng trước tượng Phật Di Lặc trước khi bước vào tham quan khuôn viên bên trong chùa.
Quang Minh Bảo Điện là nơi thờ tượng Phật bằng gỗ quý hiếm
Qua Từ Bi Bảo Điện, du khách đi tiếp theo hành lang lát đá sẽ đến Quang Minh Bảo Điện. Đây được xem là Chánh Điện của chùa Tàu. Chánh Điện chùa có hình tứ giác, cao 12m và rộng 12m. Đặc biệt, trên nóc bảo điện là đôi rồng đối diện nhau – một hình tượng du khách rất dễ thấy ở những ngôi chùa của người Hoa.
- 3 pho tượng bằng gỗ quý trong chùa
Cả 3 bức tượng Phật đều được làm bằng gỗ trầm, nặng hơn 1500kg, là bảo vật vô giá của chùa Tàu
Tại Từ Bi Bảo Điện, du khách đã có dịp chiêm ngưỡng 4 bức tượng Tứ Đại Thiên Vương uy vũ, thì khi đến Quang Minh Bảo Điện, du khách sẽ một lần nữa được nhìn thấy 3 bức tượng Phật bằng gỗ trầm quý hiếm. Mỗi pho tượng ở đây đều nặng 1500kg, được sư Thọ Dã thỉnh từ Hong Kong về. Tên của 3 pho tượng bằng gỗ trầm quý hiếm này lần lượt là: Phật A Di Đà, Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát.
- Tượng Phật Thích Ca cao 10m
Nằm cuối khuôn viên chùa Tàu là bức tượng Phật Thích Ca ngự trên đài sen cao 10m
Nằm ở cuối con đường đá phía sau Quang Minh Bảo Điện là khu vực đặt bức tượng Phật Thích Ca cao 10m ngự trên đài sen. Tượng Phật ngồi uy nghiêm giữa khung cảnh núi rừng bình yên. Phía sau tượng Phật Thích Ca là núi đồi Đà Lạt bao la rộng lớn. Đứng dưới chân tượng Phật, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn thư giãn giữa thiên nhiên, quên đi bộn bề lo toan của cuộc sống.
- Chiếc bàn xoay kì diệu
Chùa Tàu còn sở hữu chiếc bàn tự xoay kì diệu theo ý nghĩ của con người
Không chỉ nổi bật bởi kiến trúc chùa Hoa độc đáo, chùa Tàu còn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Đà Lạt sở hữu chiếc bàn xoay kì diệu. Nhìn bề ngoài, chiếc bàn xoay này giống như một chiếc bàn ăn cổ, không mấy đặc biệt. Nhưng khi du khách đặt tay vào bàn và suy nghĩ, tự động du khách sẽ có cảm giác chiếc bàn xoay theo hướng suy nghĩ của mình. Rất đặc biệt phải không? Sự kì diệu của chiếc bàn xoay này cũng khiến nhiều nhà khoa học phải đau đầu và chưa tìm được lời giải.
Xem thêm “Địa chỉ chùa Linh Ẩn Đà Lạt nằm ở đâu?"
Chùa Tàu là một trong những địa điểm du lịch đáng đến tham quan nhất ở Đà Lạt. Vậy thì du khách còn đợi gì mà chưa lên Đà Lạt, khám phá chùa Tàu ngay sau khi đã biết địa chỉ chùa Tàu Đà Lạt nằm ở đâu? Tại một ngôi chùa có kiến trúc Hoa độc đáo và nhiều điều kì diệu như chùa Tàu, chắc chắn rằng du khách sẽ có cho riêng mình một chuyến đi tham quan, khám phá vô cùng tuyệt vời.
Mời quý khách đánh giá hay góp ý về địa chỉ chùa Tàu đà Lạt nằm ở đâu?
Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.