Tour Du Lịch Việt Nam - Viet Fun Travel - Du Lịch Việt Vui

Ly kỳ những sự tích ở Chùa Ve Chai Đà Lạt

  • 0 nhận xét
  • Ly kỳ những sự tích ở Chùa Ve Chai Đà Lạt
    4.2/5 sao 8 lượt

Chùa Ve chai hay còn gọi là chùa Linh Phước, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Đà Lạt. Ngôi chùa này có kiến trúc độc đáo và cũng là nơi nắm giữ rất nhiều kỷ lục. Thêm vào đó, chùa Ve Chai còn có các sự tích đặc sắc. Mời du khách cùng tìm hiểu ly kỳ những sự tích ở Chùa Ve Chai Đà Lạt với Viet Fun Travel nhé.

1. Chùa Ve Chai nằm ở đâu?

Tọa lạc tại số 120 Tự Phước, chùa Ve Chai cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 8km. Chùa có tuổi thọ lâu đời khi được xây dựng vào năm 1949. Chùa có tên gọi Ve Chai là bởi vì ngôi chùa này được khảm bằng rất nhiều mảnh chai. Tại Việt Nam, đây không phải là ngôi chùa duy nhất khảm ve chai.


Chùa Ve Chai nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 8km

Tuy nhiên, chùa Linh Phước lại là ngôi chùa khảm ve chai có tiếng nhất hiện nay. Lý do là vì quy mô khảm ve chai của chùa rất lớn. Công phu bỏ ra để thực hiện công trình này cũng rất kỳ công. Nhờ đó, chùa có được vẻ đẹp độc đáo và hết sức ấn tượng. Bên cạnh đó, chùa Ve chai cũng là nơi thờ cúng tấp nập, thường xuyên có nhiều Phật tử lui tới.

Vì thế, giữa rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn của Đà Lạt, chùa Ve Chai vẫn có một vị trí riêng không hề bị mờ nhạt hay trộn lẫn. Mỗi năm chùa đón rất nhiều lượt khách du lịch ghé thăm và tìm hiểu về tâm linh, kiến trúc cũng như những sự tích xung quanh việc xây dựng chùa.

2. Sự tích nhặt ve chai xây chùa

Đến với chùa Linh Phước, du khách sẽ thấy mảnh chai nằm được khảm ở khắp mọi nơi: trên những thân cột, trên mình rồng, trên các vách tường, trên những hoa văn họa tiết trong chùa. Điểm đặc sắc là các mảnh chai, sành... này không phải được khảm vào một cách lung tung mà tuân theo các quy tắc màu sắc rất rõ ràng.

Ví dụ trong chùa có tượng Rồng rất lớn. Phần thân rồng được đắp mảnh chai màu xanh, phần vảy đắp bằng màu trắng và hồng... Chính nhờ sự công phu đó nên tổng thể công trình chùa Ve chai nhìn rất đẹp và độc đáo. Các màu sắc kết hợp một cách hài hòa và tinh tế khiến chùa vừa có vẻ đẹp lộng lẫy lại vừa mang sắc màu huyền ảo.


Các mảnh chai được khảm một cách công phu và tinh tế

Theo Đại đức Thích Hạnh Định thì “Tổng diện tích khảm lâu rồi không thống kê. Cách đây hơn 10 năm, diện tích khảm miểng là 6.666,84m2. Cho đến nay, diện tích tăng rất nhiều, có thể gấp đôi”. Như vậy có thể thấy, công sức bỏ ra để xây dựng nên chùa Ve chai Đà Lạtnhư ngày nay là khó mà thống kê được.

Chỉ biết rằng, sự tích nhặt ve chai xây chùa cho đến nay vẫn còn được các nhà sư của chùa Linh Phước kể lại. Chuyện rằng để tập hợp đủ số mảnh chai, sứ, sành... xây chùa, các nhà sư ở đây đã phải đi đến các nhà dân và nhà máy bia rượu trong vùng để gom góp. Những thứ vốn là vô dụng chỉ để vứt đi như chén bát vỡ, vỏ chai nước mắm, chai xì dầu, vỏ chai nước ngọt... đều được các nhà sư tích cóp mang về.

Sau khi xin về rồi, các nhà sư lại phải ngồi cọ rửa từng miếng rồi cắt ra thành các mảnh lớn nhỏ khác nhau, tiếp đến lại mài giũa từng mảnh cho phù hợp. Nói về quá trình công phu này, Đại đức Thích Hạnh Định cho biết: “Thời thầy còn là một chú tiểu, thầy phụ các nghệ nhân ở những công đoạn thủ công nhất. Công việc của thầy là đi nhặt và cắt chai. Tất cả các chai muốn làm được phải cắt đầu cắt đuôi đi.

Để có thể cắt chai bằng thủy tinh, các thầy đã nhóm bếp củi và nung nóng một cây sắt tròn rồi đặt chai vào lăn cho nóng, nhúng vào nước lạnh để cắt đi phần dư. Từ những thân chai đã cắt, các nghệ nhân mới dùng dao cắt kính để mài gọt nên từng mảnh miểng với hình thù khác nhau. Mọi công đoạn rất thủ công”.

Bởi vậy, chùa Linh Phước có được diện mạo như ngày nay là nhờ rất nhiều công sức và sự kết hợp, cùng nhau cố gắng của các thế hệ nhà sư trong chùa. Công trình này nhờ thế còn mang ý nghĩa sâu sắc về giá trị của sự đoàn kết và sức lao động đầy sáng tạo của con người. Từ những điều ấy, các đồ vật bé nhỏ, vô dụng cũng có thể trở thành một công trình ngoạn mục và bền vững.

3. Sự tích các kỷ lục của chùa Ve Chai

Có thể nói, chùa Ve Chai là ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam nhất hiện nay. Tổng số kỷ lục của chùa là 18 kỷ lục trong đó có 16 kỷ lục Việt Nam, 1 kỷ lục châu Á và 1 kỷ lục thế giới. Các kỷ lục đó là:

- Ngôi chùa có tháp chuông cao nhất.

- Tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng hoa lớn nhất (Cũng là kỷ lục châu Á và kỷ lục thế giới)


Tượng Bồ Tát bằng hoa bất tử hiện đang nắm giữ 3 kỷ lục tại chùa Ve chai

- Ngôi chùa tạo tác bằng miểng sành nhiều nhất.

- Tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ sao lớn nhất.

- Tượng Khổng Tước vương bằng gỗ sao lớn nhất.

- Bộ phản bằng gỗ sao dài nhất.

- Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất.

- Gốc cây bằng gỗ trâm chạm bộ kinh Pháp Cú lớn nhất.

- Tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng bê tông cốt thép trong nhà lớn nhất.

- Công trình kiến trúc tái hiện cảnh ngài Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất.

- Ngôi chùa tôn trí tượng sáp các vị thiền sư có số lượng nhiều nhất.

- Điện thờ Quan Âm trong chùa tôn trí nhiều tượng Bồ tát Quán Âm nhất.

- Bộ tượng Thập Bát A La Hán bằng gốm men rạn Bát Tràng lớn nhất.

- “Song tùng bách hạc” - Tác phẩm điêu khắc gỗ thể hiện cây tùng và chim hạc bằng gỗ sao lớn nhất.


Tác phẩm điêu khắc gỗ “Song tùng bách hạc”

- Bộ tượng Phước Lộc Thọ bằng gỗ tùng lớn nhất.

- Con rồng làm bằng vỏ chai bia lớn nhất.

3. Sự tích về pho tượng giống hệt người thật

Chùa Ve chai có rất nhiều tượng, mỗi bức tượng có một nét độc đáo riêng. Tuy nhiên, bức tượng giống hệt người thật trong chùa được xem là một sự tích lạ. Đây là tượng của Đại lão hòa thượng Minh Hạ Đức. Bức tượng này bằng sáp và hiện đang nằm tại khu chánh điện của chùa. Tượng Đại lão hòa thượng này được đặt ở đây từ năm 2011.

Tuy là tượng sáp nhưng bức tượng giống Đại lão hòa thượng đến từng nếp nhăn trên mặt hay đường chân tóc. Theo thông tin tại chùa Linh Phước thì vị hòa thượng này sinh năm 1901 tại Quảng Ngãi. Sinh thời, ông có hiểu biết sâu rộng về Nho học và đông y. Ông đã sử dụng các kiến thức này của mình để giúp đời và đạt được nhiều thành tựu.

Hòa thượng Minh Hạ Đức sau đó làm trụ trì chùa Linh Phước vào năm 1957 và qua đời vào năm 1985. Đến năm 2010, các nhà sư trong chùa khởi công xây dựng bảo tháp mới. Khi di dời hài cốt của hòa thượng Minh Hạ Đức, các nhà sư đã rất kinh ngạc khi thấy hài cốt của ông chưa bị phân hủy và vẫn còn nguyên vẹn.


Tượng sáp hòa thượng Minh Hạ Đức

Hiện nay, du khách đến chùa Ve chai có thể thấy được nhiều hình ảnh về buổi khai quật hài cốt này bởi chúng được trưng bày ngay trong chùa. Như vậy, thi hài của hòa thượng Minh Hạ Đức sau 26 năm nằm dưới lòng đất vẫn được nguyên vẹn. Đây được xem là hiện tượng kỳ lạ trong chùa Ve chai. Kết hợp cùng với bức tượng sáp giống người thật, một sự tích nữa đã được lan truyền làm cho các sự tích của chùa Ve chai càng thêm ly kỳ hấp dẫn.

Để kiểm chứng rõ hơn các sự tích này, du khách có thể ghé thăm chùa Ve chai tại Đà Lạt. Vẻ đẹp, sự độc đáo và những điều thú vị xoay quanh ngôi chùa này chắc chắn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.

Du lịch Việt Vui tổng hợp

Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Ly kỳ những sự tích ở Chùa Ve Chai Đà Lạt

Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.

Không có bình luận.

Đang chuyển đổi...

Vui lòng chờ trong giây lát

Hotline
HOTLINE HỖ TRỢ
Call