Tour Du Lịch Việt Nam - Viet Fun Travel - Du Lịch Việt Vui

Những điều hấp dẫn khi đi du lịch Huế ngày Tết

  • 0 nhận xét
  • Những điều hấp dẫn khi đi du lịch Huế ngày Tết
    4.1/5 sao 31 lượt

Nếu Quý khách có ý định đi du lịch Huế vào ngày Tết thì hãy bắt tay lên kế hoạch ngay để có chuyến đi du xuân về miền cố đô thật ấn tượng. Huế cũng như nhiều vùng miền khác ở Việt Nam, có rất nhiều “những điều hấp dẫn khi đi du lịch ngày Tết”. Vậy những điều hấp dẫn đó là gì, hãy cùng Viet Fun Travel điểm qua thử:

1. Tham quan chợ hoa Tết xứ Huế từ sau ngày 23 tháng Chạp

Huế những ngày Tết thường se lạnh và đôi khi có cả mưa phùn. Đi khắp các con đường, ngõ hẻm của Huế đâu đâu cũng gặp hoa. Giống như nhiều vùng miền khác khắp cả nước, dấu hiệu của những ngày Tết ở Huế đó chính là những chợ hoa. Từ sau 23 tháng Chạp âm lịch, hoa Tết ở Huế được bày bán ở dọc bờ bắc sông Hương, công viên Nghinh Lương Đình, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh hay phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Ngày Tết, đa số các loại hoa được bày bán là hoa cúc, hoa mai, hoa thược dược, hoa đào… Ở Huế, Tết người dân bày bán các loại hoa được nhập từ Đà Lạt và một số loại hoa tiêu biểu như hoa huệ Nguyệt Biều, hoa cúc Bãi Dâu, thược dược Phú Thượng, hoa mai Dương Xuân... Dạo chợ hoa Tết là thói quen của người dân ở Huế. Người dân thường tham quan chợ hoa Tết, chiêm ngưỡng hoa, trao đổi, mua bán và chở hoa về nhà chưng Tết.

Du khách đi du lịch Huế vào khoảng thời gian này cũng hòa chung vào không khí tưng bừng, nhộn nhịp đó. Ngoài những chợ hoa như trên, du khách có thể tham quan chợ mai Điền Hòa và Hội hoa xuân ở Phong Điền. Hoặc du khách có thể đến công viên Phú Xuân trước kinh thành Huế tham quan, chụp ảnh làm lưu niệm. Đây được xem là chợ hoa Tết lớn nhất ở Huế. Quảng trường trước Trung tâm văn hóa là chợ hoa phía bờ Nam sông Hương cũng là địa điểm bày bán hoa Tết. Tấp nập nhất là hai chợ hoa Tết ở Phu Văn Lâu (trước cột cờ Đại Nội) và Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh (đường Hùng Vương). Hàng trăm loài hoa đến từ mọi miền của đất nước xuất hiện tràn ngập. Ngoài 2 phố hoa lớn trên, các con đường, vỉa hè của Huế cũng rộn ràng sắc màu của các loài hoa. Mọi con đường, ngõ hẻm, góc phố…đâu đâu cũng thấy cảnh mua bán hoa những ngày cuối năm.


Quang cảnh 1 góc chợ Đông Ba vào những ngày giáp Tết

2. Hòa vào không khí nhộn nhịp ở các chợ Huế ngày 30 Tết

Không chỉ có Huế mà hầu hết các vùng miền ở Việt Nam, những ngày Tết chợ nào cũng đông đúc. Riêng với Huế, nếu ngày thường du khách thường bảo đây là vùng đất “sống chậm” thì những ngày Tết, không khí ồn ào, khẩn trương và nhộn nhịp hẳn lên. Điều này thể hiện rõ nhất ở các khu chợ Huế ngày 30 Tết. Kẻ bán, người mua, người bưng bê, người khiêng vác, người gói hàng… dường như ai cũng muốn làm cho xong sớm hoàn thành hết 1 ngày trong ngày 30 Tết này. Lượng người đến chợ Tết đông hơn rất nhiều so với ngày thường. Ai cũng mua thực phẩm, hoa quả để đủ dùng trong “ba ngày Tết”. Đi dạo các con đường, ngõ hẻm Huế, nhà nhà chuẩn bị mâm cơm cúng cho ngày cuối năm. Các hàng quán nổi bật với đủ sắc màu từ bánh mứt, hoa quả, đồ thờ cúng… Những nét đặc trưng văn hóa Tết Việt ở xứ Huế như tranh thờ làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, bánh tét làng Chuồn… đâu đâu du khách cũng có thể quan sát được. Nếu du khách đến du lịch Huế dịp Tết, chắc chắn sẽ thấy không khí nhộn nhịp đón Tết hiện rõ trên từng nét mặt của người dân.

3. Ngắm pháo hoa và nguyện cầu năm mới tốt lành trong đêm Giao thừa

Nếu ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… thường mỗi năm đến dịp Tết có tổ chức trình diễn bắn pháo hoa mừng năm mới thì ở xứ Huế cũng vậy. Đúng 0h00 đêm Giao thừa, pháo hoa sẽ rực sáng trên bầu trời Đại Nội. Giây phút này là giây phút được người dân xứ Huế đợi chờ hơn bao giờ hết. Giữa không gian linh thiêng, trầm mặc của xứ Huế, ánh pháo hoa trở nên rực rỡ và lung linh hơn. Du khách có thể hòa vào dòng người đang chiêm ngưỡng những màn pháo hoa trên đầu và thầm nguyện cầu cho một năm mới may mắn, nhiều điều tốt đẹp. Du lịch Huế đêm 30 cũng có nhiều điều thú vị như thế! Ngắm pháo hoa đêm Giao thừa ở cố đô Huế, cũng là một trong những điều hấp dẫn khi đi du lịch Huế vào ngày Tết.


Lên chùa lễ Phật những ngày đầu năm là tập quán lâu đời của người Việt

4. Cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất ở nơi cửa Phật ngày Mồng 1 Tết

Du xuân hái lộc đầu năm, cầu xin ở những Đấng tối cao trong thế giới tín ngưỡng của mình, đó là một việc làm thường thấy của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến. Vào ngày Mồng 1 Tết, người dân đất cố đô cũng hay tìm đến các ngôi chùa nơi mình sinh sống để cầu xin những điều may mắn và tốt đẹp. Huế nổi tiếng có những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng. Chính vì điều này, những ngày thường các ngôi chùa đông du khách đến tham quan và những ngày Tết thì lượng khách tìm đến còn nhiều gấp bội. Hoa trên cành đang nẩy lộc, cảnh sắc chùa như chốn “bồng lai tiên cảnh” càng làm cho lòng người đến chùa thêm tươi vui và thanh thản. Nếu Quý khách đi Tour du lịch Huế đúng vào khoảng thời gian đầu của Tết Nguyên đán, có thể đến các ngôi chùa nổi tiếng ở Huế để chiêm bái như chùa Thiên Mụ, chùa Linh Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm, chùa Huyền Không Sơn Thượng, chùa Báo Quốc, chùa Thiền Lâm v.v.. Ngoài việc cầu bình an, cầu sức khỏe, may mắn, thịnh vượng trong năm mới, Quý khách còn có thể dạo chơi, tham quan cảnh chùa, thưởng thức trà bánh ngày xuân và xin chữ đầu năm.

5. Reo hò cổ vũ cùng người dân trong lễ hội đua ghe Mồng 2 Tết

Người Việt đặc biệt là ở các vùng miền Bắc, miền Trung, những ngày xuân thường có rất nhiều lễ hội. Riêng Huế, nếu du khách đi Tour Huế trong những ngày Tết, sẽ có cơ hội hòa cùng dòng người dân reo hò, cổ vũ cho các thuyền ghe trong đội tranh tài vào Mồng 2 Tết. Người dân đất cố đô thường chọn Mồng 2 Tết là ngày để các trai tráng trong khu vực thể hiện sức lực và trí lực với cuộc thi đua ghe. Các ghe thuyền đủ màu sắc từ các thôn làng được tập trung về một quãng sông để tranh tài cao thấp. Không khí ngày xuân vui nhộn hẳn lên với cuộc thi này. Không chỉ có người dân địa phương, các tổ chức chính quyền mà còn có nhiều du khách đi du lịch Huế vào dịp Tết cũng tập trung 2 bên bờ sông để reo hò, cổ vũ. Giữa tiếng trống dồn dập, tiếng reo hò sôi động, từng thành viên trong đội thi càng nhanh tay, ra sức chèo nhanh cho kịp đến đích. Cuộc thi ghe là một trong những trò giải trí lâu đời ở Huế, đây là một nét đẹp văn hóa của người dân xứ Huế trong những ngày Tết Nguyên đán.


Huế thường tổ chức hội đua ghe vào Mồng 2 Tết

6. Trở về không khí Tết ngày xưa ở chợ Gia Lạc vào Mồng 3 Tết

Gốc tích của phiên chợ này do hoàng tộc Huế lập ra từ cách đây khoảng 200 năm. Theo một số tài liệu thì cho rằng phiên chợ này do hoàng tử Nguyễn Phúc Bính (có tài liệu ghi là Nguyễn Phước Bình), con trai thứ tư của vua Gia Long, triều Minh Mạng sáng lập. Phiên chợ đầu tiên được tổ chức tại khu đất trước phủ của Định Viễn quận vương. Lúc đó, chợ chỉ dành cho những ông hoàng, bà chúa thân thuộc trong phủ, sau mở rộng cho dân chúng cùng tham gia. Chợ họp ở đoạn cách cầu Trường Tiền khoảng 3 cây số, đường về thôn Vỹ Dạ, ngã  ba làng Nam Phổ, giữa 2 lối rẽ về Dương Nổ - Ngọc Anh. Chợ tổ chức các trò chơi nhộn nhịp trong không khí vui tươi ngày xuân nên ngày càng thu hút người dân tham gia.

Ngày nay, chợ Gia Lạc được phục dựng và tổ chức ở một số nơi trong dịp Tết Nguyên đán. Chợ Gia Lạc là một phiên chợ đặc biệt, thể hiện nét văn hóa tốt đẹp của người dân xứ Huế. Mỗi năm chợ Gia Lạc chỉ họp vào đúng 3 ngày Tết. Đôi khi người đi chợ không vì nhu cầu mua, bán mà chỉ vì thói quen, vì tập tục có từ rất lâu đời ở xứ Huế. Người đi chợ chủ yếu đi với tinh thần vui, cầu may là chính nên ai cũng ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ và sang trọng. Người đi chợ Gia Lạc thường ăn nói lịch thiệp, nhẹ nhàng chứ không tranh luận, nói to như các chợ bình thường khác. Du khách đi du lịch Huế ngày Tết cũng có thể tham gia vào hội chợ này. Đây cũng là một trong những điều hấp dẫn khi đến Huế tham quan vào ngày Tết.


Ngày nay, phiên chợ Gia Lạc được phục dựng vào những ngày xuân ở 1 số thành phố lớn

7. Tham quan và tìm hiểu nhiều lễ hội truyền thống vào ngày xuân ở Huế

Từ khoảng Mồng 1 Tết đến rằm tháng Giêng, nếu Quý khách đi du lịch Huế sẽ có cơ hội tham quan nhiều lễ hội diễn ra ở đây như lễ hội đu tiên (ở Điền Hòa ở huyện Phong Điền và thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền); lễ hội cầu ngư ở thị trấn Lăng Cô (ở huyện Phú Lộc và ở Thuận An, huyện Phú Vang); hội vật làng Sình (ở đình làng Lại Ân – làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) và lễ hội vật làng Thủ Lễ (ở thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền); lễ hội đền Huyền Trân (ở phường An Tây, thành phố Huế)...  Trong đó nổi bật có lễ hội đấu vật làng Sình được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng. Đây là một hoạt động văn hoá truyền thống của người dân xứ Huế, thể hiện tinh thần thượng võ và cũng là cơ hội thể hiện sức khỏe của thanh niên trai tráng thời xưa. Ngoài yếu tố tâm linh của lễ hội như mong dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn dân, đây còn là hoạt động vui, khỏe, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm và sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ hiện nay. Lễ hội này có lịch sử xuất hiện và tồn tại hơn 200 năm và vẫn tiếp tục được duy trì và bảo tồn trong cuộc sống hiện đại.

Quý khách cũng có thể đến Huế dịp Tết để tham quan và tìm hiểu lễ hội cầu ngư ở Lăng Cô. Lễ hội này gắn liền với tục thờ cá Ông của người dân miền biển. Lễ hội này thường tổ chức vào Mồng 6 Tết Âm lịch hằng năm. Hàng ngàn người dân và cả du khách nô nức đổ về tham dự lễ hội và trẩy hội đua ghe truyền thống tại làng chài An Cư (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Lễ hội này được xem là lễ hội lớn nhất của ngư dân, những người sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản. Lễ hội thể hiện niềm tin tâm linh của người dân và cũng là một trong những lễ hội lớn của người xứ Huế. Dịp lễ này thể hiện tinh thần đoàn kết, chan hòa yêu thương của những người dân sống ở ven biển. Tại lễ hội, các chủ trì thường tổ chức cúng tế thần linh trang trọng, tôn nghiêm để thể hiện sự sùng bái và tôn kính đối với các vị thần linh ở vùng biển. Đây là nét đẹp văn hóa đời sống tâm linh của người xứ Huế nói riêng, người Việt nói chung.


Hội vật làng Sình ở Huế vào những ngày Tết

8. Thưởng thức những món ngon trong ẩm thực xứ Huế ngày Tết

Nhắc đến ẩm thực xứ Huế, du khách không khỏi nghĩ đến vị cay nồng ở những món ăn như bún bò Huế, cơm hến Huế… Vào những ngày Tết, ẩm thực xứ Huế còn phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Các món ngon xứ Huế được phục vụ ở các nhà hàng, khách sạn, các hàng quán.. Du khách đi Tour Du Lịch Huế vào dịp Tết đều có thể thoải mái lựa chọn các món ăn từ chay đến mặn, từ vị ngọt đến vị cay nồng… Đặc biệt, đến với Huế ngày Tết, các món ăn cổ truyền sẽ được đem ra thết đãi như bánh tét làng Chuồn, dưa món, giò heo bó, nem chả, hành muối, kiệu chua... và đủ các loại mứt Huế như mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt bí đao, mứt hạt sen v.v.. Tóm lại, đến với Huế ngày Tết, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ngon trong ẩm thực xứ Huế. Ngoài ra, Quý khách cũng đừng quên thử các món ăn cung đình được chế biến như các loại “cao lương mỹ vị” mà ngày xưa các bậc vua chúa ở kinh thành Huế được thưởng thức vào ngày Tết.

Ngoài “những điều hấp dẫn khi đi du lịch Huế ngày Tết” như Viet Fun Travel vừa nêu trên, đến với miền đất cố đô thời gian này, Quý khách sẽ còn cảm nhận nhiều điều thú vị khác nữa. Nếu Quý khách chưa bao giờ đón Tết ở đất Thần Kinh này, Tết Nguyên đán năm nay, hãy thử 1 lần đến tham quan và tìm hiểu.

Viet Fun Travel tổng hợp

Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Những điều hấp dẫn khi đi du lịch Huế ngày Tết

Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.

Không có bình luận.
Thuộc danh mục:

Đang chuyển đổi...

Vui lòng chờ trong giây lát

Hotline
HOTLINE HỖ TRỢ
Call