Tour Du Lịch Việt Nam - Viet Fun Travel - Du Lịch Việt Vui

Tham quan ngôi chùa cổ Tôn Thạnh nổi tiếng ở Long An

  • 0 nhận xét
  • Tham quan ngôi chùa cổ Tôn Thạnh nổi tiếng ở Long An
    5.0/5 sao 2 lượt

Không chỉ là ngôi chùa cổ nhất Long An, chùa Tôn Thạnh còn chính là nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cho ra đời tác phẩm nổi tiếng “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” cảm khái về tinh thần đấu tranh quật cường của dân ta. Nào, trong bài viết hôm nay, Viet Fun Travel xin mời du khách cùng tham quan ngôi chùa cổ Tôn Thạnh nổi tiếng ở Long An.

Chùa Tôn Thạnh là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Long An. Đây là ngôi chùa cổ đã tồn tại hơn 200 năm, hiện còn lưu giữ rất pho tượng Phật mang nhiều giá trị nghệ thuật và lịch sử quý báu. Đặc biệt, chùa Tôn Thạnh còn gắn liền với giai đoạn hoạt động của một nhà thơ Việt Nam yêu nước “vang danh” ở thế kỷ 18, đó chính là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.


Chùa Tôn Thạnh là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Long An

Chùa cổ Tôn Thạnh có gì đặc biệt?

Ngôi chùa cổ nhất Long An

Theo ghi chép từ các sử liệu, chùa Tôn Thạnh được xây dựng vào năm 1808, đời vua Gia Long thứ 7 tại địa phận xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Chùa do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng. Thời gian ban đầu, chùa có tên là chùa Lan Nhã. Đến năm 1845, đời vua Thiệu Trị thứ 5, người dân trong vùng đã đổi tên chùa thành chùa Tăng Ngộ, chùa Lão Ngộ hay chùa Ông Ngộ nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của vị thiền sư Viên Ngộ. Thiền sư là người đã sáng lập chùa và dùng cả cuộc đời để một lòng tận tâm mang đến nhiều điều lành cho mọi người. Nhưng rất tiếc sau khi xuất gia 40 năm thấy mình vẫn chưa đắc đạo nên thiền sự đã chọn tịch thủy 49 ngày và viên tịch ngay sau đó. Hiện nay, khuôn viên chùa Tôn Thạnh vẫn còn tòa tháp 3 tầng thờ Tổ sư Viên Ngộ cao 4,5m được xây dựng theo hình lục giác. Tầng trên của tháp có chạm khắc dòng chữ “Nam mô A Di Đà Phật”.

Người dân cho biết, lúc ban đầu chùa Tôn Thạnh được xây dựng theo lối kiến trúc xưa chủ yếu bằng vật liệu gỗ, rất là “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng”. Tổng diện tích toàn bộ khuôn viên chùa là hơn 34.000m2, trong đó diện tích xây dựng chiếm gần 1.000m2. Có thể thấy quy mô hoành tráng của chùa. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, nhiều lần trung tu, kiến trúc chùa đã có sự thay đổi ít nhiều.


Chùa Tôn Thạnh được xây dựng theo lối kiến trúc xưa chủ yếu bằng vật liệu gỗ

Giai đoạn hiện tại, chùa Tôn Thạnh có các kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, hành lang đông - tây... May mắn là kiến trúc tiền điện và chánh điện vẫn giữ gần như nguyên bản nét cổ xưa với hệ thống cột cổ kiểu tứ tượng, vách gỗ. Bên trong có các liễn đối hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc quý báu này, chùa Tôn Thạnh được xem là một trong những ngôi chùa đẹp ở Long An thu hút rất nhiều Phật tự viếng thăm hàng năm.

Không chỉ nổi tiếng về kiến trúc lâu đời, chùa Tôn Thạnh còn được biết đến khi lưu giữ rất nhiều pho tượng Phật cổ có niên đại hơn 200 năm. Trong đó, nổi bật nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát làm bằng đồng được đúc ngay tại chùa.

Gắn liền với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Vào năm 1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định bị thất thủ hoàn toàn, nhà thơ - nhà văn Nguyễn Đình Chiểu đã cùng gia đình dọn về sống tại quê vợ là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Kể từ đây cho đến năm 1861, Nguyễn Đình Chiểu đã chọn chùa Tôn Thạnh làm nơi khám chữa bệnh bốc thuốc cứu người, đồng thời cũng là nơi viết văn làm thơ, sáng tác ra những tác phẩm bất hữu sau này.

Vào đêm 15 tháng 11 năm Tân Dậu (1861), nghĩa quân Cần Giuộc chia làm 3 cánh, trong đó 1 cánh xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đã tiến đánh thành công nhà dạy đạo, chém rơi đầu một viên quan Pháp. Nghĩa quân đa phần là nông dân có chung nỗi căm phẫn kẻ ngoại xâm. Sau cuộc nổi dậy, dù đã tiêu diệt được một số lượng lớn quân Pháp và những công sự cho Pháp nhưng nghĩa quân cũng tổn thất đáng kể. Hơn 15 nghĩa sĩ đã hy sinh. Cảm khái trước tinh thần đấu tranh kiên cường, một lòng vì dân ấy, ngay tại chùa Tôn Thạnh, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang để đọc tại buổi truy điệu những nghĩa sĩ đã anh dũng hy sinh.

Hiện nay, chùa Tôn Thạnh vẫn còn lưu giữ 2 tấm bia là những dấu tích về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Tấm bia thứ nhất được dựng vào năm 1973, kể về nhà thơ Nguyễn Đình Chiều, cụ thể hơn là giai đoạn ông trị bệnh cứu người cũng như sáng tác văn thơ dưới mái chùa Tôn Thạnh. Tấm bia thứ hai được dựng vào năm 1998, trích dẫn tác phẩm nổi tiếng “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.


Kể từ 1859 đến 1861, Nguyễn Đình Chiểu đã chọn chùa Tôn Thạnh làm nơi khám chữa bệnh bốc thuốc cứu người, đồng thời cũng là nơi viết văn làm thơ

Với những chia sẻ trong bài viết “Tham quan ngôi chùa cổ Tôn Thạnh nổi tiếng ở Long An” mong rằng có thể giúp du khách hiểu hơn về chùa Tôn Thạnh - một ngôi chùa rất đặc biệt ở Long An.

Du lịch Việt Vui tổng hợp

Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Tham quan ngôi chùa cổ Tôn Thạnh nổi tiếng ở Long An

Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.

Đang chuyển đổi...

Vui lòng chờ trong giây lát

Hotline
HOTLINE HỖ TRỢ
Call