Tìm nét Chăm xưa ở Tháp bà Ponagar Nha Trang
- Mon, 15/06/2015
- 0 nhận xét
Địa chỉ và tên gọi
Quần thể di tích Tháp Bà Ponagar hiện tọa lạc trên đồi Cù Lao, mặt hướng ra cửa sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Tháp Bà Ponagar vốn tên gốc là Yang Po Inư Nagar (Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po Nagar). Tháp Bà là tên gọi của ngọn tháp cao nhất trong quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa cổ, được dùng để gọi tên chung toàn khu di tích. Khu di tích Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang là một trong những quần thể kiến trúc thời Champa có quy mô lớn nhất, còn được gìn giữ lại ở miền Trung. Ponagar là một nữ thần trong huyền thoại cổ, tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ Xứ Sở. Khu du lịch tháp bà Ponagar có tháp lớn nhất thờ nữ thần Ponagar. Sau này người Việt tôn bà là Thiên Y thánh mẫu.
Nét Chăm xưa ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Tháp Bà Ponagar thực chất là ngôi đền, được xây dựng trong thời kỳ cường thịnh của vương quốc Champa. Đền Champa nằm tren đỉnh ngọn đồi nhỏ, cao 10 – 12 mét (có tài liệu ghi 50 mét) so với mực nước biển. Đền này nằm ở cửa sông Cái (sông Nha Trang). Từ trung tâm thành phố Nha Trang đến ngôi đền này tầm 2 km về hướng Bắc. Khu di tích Tháp Bà Ponagar là được cho là xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13, lúc đạo Hindu (Ấn Độ giáo) của vương quốc Champa cổ hưng thịnh nhất. Du khách đi du lịch Nha Trang đến đây tham quan sẽ tìm thấy rất nhiều “dấu xưa tích cũ” của nền văn hóa Champa cổ.
Góc nhìn Tháp Bà Ponagar từ cầu Xóm Bóng
Tổng thể kiến trúc của khu di tích Tháp Bà Ponagar gồm có 3 tầng. Tầng thấp, ngang mặt đất, trước đây là cổng tháp nhưng qua thời gian hiện nay không còn nữa. Từ tầng này, du khách có thể đi lên các bậc tam cấp bằng đá để tham quan các tầng trên. Tầng giữa được cho là nơi để du khách đi hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Tầng giữa được gọi là mandapa, dài 20m, rộng 15m gồm 4 hàng cột (10 cột lớn, 12 cột nhỏ) hình bát giác. Tầng trên cùng là nơi có các ngọn tháp. Tất cả những ngôi tháp này được xây theo kiến trúc Chăm với những viên gạch khít mạch và không nhìn thấy chất kết dính. Trong số những ngọn tháp này có ngọn tháp cao nhất khoảng 23 mét, gọi là tháp Ponagar và tên ngọn tháp này cũng được dùng để gọi chung cho toàn bộ khu di tích.
Tháp Bà Ponagar có nét kiến trúc đặc trưng nền văn hóa Champa
Lối kiến trúc và văn hóa Champa cổ thể hiện rõ nhất ở ngọn tháp mang tên Ponagar này. Cụ thể, khi quan sát, du khách sẽ thấy tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong tháp có tượng nữ thần được tạc bằng đá hoa cương màu đen. Nữ thần ngồi trên bệ đá hình đài sen, phía sau là phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây được xem là một trong những kiệt tác về điêu khắc Champa được tạo từ sự kết hợp giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin và các linh vật như chim thiên nga, dê, voi, sư tử… Tháp được tạo với lòng rỗng đến đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông, bên ngoài có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ này thường đặt gạch trang trí hình vòm tháp, nhìn tựa như tháp nhỏ nằm trong tháp lớn.
Một buổi biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội Tháp Bà
Tháp bà Ponagar – Một điểm đến du lịch hấp dẫn của Nha Trang
Trải qua bao biến cố, thăng trầm, với khoảng thời gian hơn 10 thế kỷ, Tháp Bà Ponagar vẫn còn tồn tại và đi vào lịch sử như một trong những di tích cổ xưa nhất của người Chăm cổ. Tháp Bà Ponagar mang phong cách và nét kiến trúc Champa nên thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách. Cách xây dựng đền đài hình tháp trên đồi núi cao và bằng vật liệu duy nhất là đất nung hay gạch đỏ nên rất dễ gây chú ý và nhận biết ngay cả người ở những thế hệ sau này. Chính vì thế, ngày nay, du khách đi du lịch Nha Trang thường tìm đến tham quan và tìm hiểu về Tháp Bà Ponagar. Đứng trên sân vườn của Tháp Bà, du khách có thể nhìn toàn bộ cảnh đẹp của phố biển Nha Trang từ sông núi, biển đảo, đồng ruộng, thành phố… Đặc biệt là vào các dịp Nha Trang tổ chức lễ hội Tháp Bà lại càng thu hút du khách đến hơn.
Du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm
Được biết, lễ hội Tháp Bà Ponagar thường được tổ chức từ 21 – 23/3 âm lịch hằng năm. Đây là cơ hội để du lịch Nha Trang nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp của văn hóa Champa đến du khách trong nước và quốc tế. Nếu Quý khách đến tham quan Nha Trang đúng dịp này, sẽ có cơ hội xem các buổi biểu diễn nghệ thuật như múa bóng, hát văn, diễn tuồng, trình diễn nghệ thuật gốm và dệt thổ cẩm của người Chăm và tham gia vào các hoạt động của lễ hội như lễ mộc dục (thay xiêm ý cho tượng), lễ cầu siêu và thả hoa đăng, lễ cầu “quốc thái, dân an”, lễ tế cổ truyền, dâng hương lễ Mẫu, lễ hoàn kinh, cúng ngọ…
Viet Fun Travel
Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Tìm nét Chăm xưa ở Tháp bà Ponagar Nha Trang
Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.