Tour Du Lịch Việt Nam - Viet Fun Travel - Du Lịch Việt Vui

Đến chùa Dơi ở Sóc Trăng tìm lời giải bí ẩn "ngàn năm"

  • 0 nhận xét
  • Đến chùa Dơi ở Sóc Trăng tìm lời giải bí ẩn "ngàn năm"
    3.5/5 sao 6 lượt

Chùa Dơi ở Sóc Trăng là một điểm du lịch tâm linh độc đáo thu hút nhiều khách đến tham quan, hành hương. Ngôi chùa thờ Phật nhưng lại có kiến trúc Khmer đặc trưng. Khách đến chùa không chỉ chiêm bái, cầu khấn điều lành mà còn được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của chùa. Đặc biệt, ở chùa có những điều bí ẩn về loài dơi tồn tại từ xa xưa vẫn hiện hữu và được người đời truyền tai nhau cho đến ngày nay. Mời quý khách cùng Viet Fun Travel về Sóc Trăng để tìm lời giải bí ẩn “ngàn năm” ở chùa Dơi nhé.

Đôi nét về sự hình thành và kiến trúc chùa Dơi

Chùa Dơi ở Sóc Trăng từ lâu đã nổi tiếng là một địa danh tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng. Chùa Dơi còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) nằm trên đường Văn Ngọc Chính, Phường 3, thành phố Sóc Trăng. Sở dĩ chùa có cái tên đặc biệt này là vì ở đây là “ngôi nhà” của những bầy dơi đông đúc.

Theo thư tịch cổ còn lại có ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569, cách nay đã hơn 440 năm. Ban đầu, chùa được xây dựng bằng vật liệu tre lá, sau nhiều lần được tôn tạo, sửa chữa, trùng tu bằng gạch và lợp mái bằng ngói, ngôi chùa đã có hình dáng đẹp như bây giờ. Chùa gồm 3 công trình kiến trúc chính là chánh điện, Sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia - người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa.


Kiến trúc Khmer đặc trung của chùa Dơi

Tuy là không gian thờ Phật Thích Ca nhưng kiến trúc chùa Dơi Sóc Trăng lại mang nét kiến trúc văn hóa Khmer. Ngôi chùa nổi bật trong không gian xanh mát của cây cối nhờ sắc màu vàng cam Khmer đặc trưng. Kiến trúc của chùa là lối kiến trúc truyền thống của người Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là ngôi chùa điển hình nhất trong hơn 600 ngôi chùa của đồng bào Khmer với quần thể kiến trúc đẹp. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói mầu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang đón chào khách đến thăm viếng.

Trong chính điện có một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng hai mét. Trên tường chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập cõi Niết bàn. Bên cạnh đó còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Trong khuôn viên của chùa có nhiều bảo tháp (stupa) - chứa di hài các nhà sư quá cố và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông (hay còn gọi là hội trường).

Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Dơi cũng là nơi hiện lưu giữ nguyên vẹn các bộ kinh ghi trên lá cây buông (cùng họ với cây Thốt Nốt). Đây là loại kinh cổ mà người Khmer Nam Bộ tôn thờ như báu vật.

Bí ẩn về loài dơi ở chùa

Điều đặc biệt ở chùa mà nhiều người tò mò nhất chính là bầy dơi sinh sống ở đây. Khuôn viên chùa có nhiều cây sao và dầu là nơi dơi thường treo mình để ngủ. Cứ chiều đến hàng vạn con dơi lại kéo về sân chùa che kín cả bầu trời. Các vị sư ở đây cho rằng việc dơi bay về chùa là phúc lành nhà Phật cho ngôi chùa này nên họ rất tích cực bảo vệ bầy dơi.


Dơi treo mình trên cây ở chùa để ngủ

Thượng tọa Rêne kể: Từ khi ông còn nhỏ đã thấy rất nhiều dơi ở chùa. Chúng là loài dơi quạ, tên khoa học là Flying –fox. Ban ngày dơi treo mình trên cây ngủ yên lành, khách nhìn cứ ngỡ là trái cây. Khi chạng vạng tối, dơi lại tỏa đi kiếm ăn bay đen kín cả một trời đến vài tiếng mới hết.

Thức ăn của dơi là trái cây ngọt. Có điều lạ là khuôn viên của chùa rộng hơn 3ha, có rất nhiều loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... nhưng đàn dơi không bao giờ ăn quả của chùa. Những cành cây quả ngọt từ vườn nhà dân gần chùa dơi cũng không ăn. Dơi bay đi tìm thức ăn ở rất xa, quanh vùng đồng bằng sông Tiền, sông Hậu.


Ảnh tư liệu về loài dơi quạ ở chùa

Con dơi mới đẻ, sải cánh đã là 50cm, dơi lớn, sải cánh lên tới 1,5m. Còn đa số là từ 70cm -1,2m. Dơi ở đây nặng trung bình khoảng 1kg, con con nặng tới 1,5kg. Điều đặc biệt, những con dơi ở chùa rất nhớ vị trí của mình, nó đã ngủ ở đâu thì sau đêm miệt mài kiếm ăn, sáng ra vẫn về đúng vị trí đó.

Mặc dù ở Sóc Trăng cũng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh khác với vườn cây bóng mát nhưng việc bầy dơi này chỉ chọn chùa Dơi làm nơi cư trú là điều dường như vẫn còn bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.

Cho đến nay, chưa có bất kì một giải thích hay giả thuyết nào đưa ra để giải đáp hiện tượng này. Chùa Dơi với những bí ẩn như thế được truyền tai nhau, khiến nhiều người tò mò, tin tưởng vào điều gì đó tốt lành ở chùa Dơi. Cho nên, hàng năm chùa Dơi đón hàng vạn khách đến tham quan, chiêm bái và tận mắt ngắm bầy dơi tại chùa.

Huyền bí heo 5 móng ở chùa Dơi

Ngoài sự ly kỳ về đàn dơi về sinh sống thì chùa Dơi còn có những câu chuyện huyền bí về loài lợn lạ - lợn 5 móng. Lợn bình thường chỉ có 3 móng nhưng trong trong chùa lại nuôi lợn 5 móng. Càng lạ hơn, lợn 5 móng được nuôi, chăm sóc như một “thành viên” của chùa. Lợn 5 móng không bị giết thịt và sau khi chết còn được xây mộ, lập nghĩa trang. Trên mỗi mộ có vẽ hình một con heo. Khung cảnh ở đây có gì đó rất bí ẩn, kỳ lạ và tôn nghiêm đậm dấu ấn tâm linh.

Trụ trì chùa kể rằng, một phật t‌ử làm công quả cho chùa p‌hát hiện một con lợn dị thường bị bỏ rơi ngay tại cổng chùa. Thấy lợn con t‌ội nghiệp, người này đã bế nó lên. Sau khi kiểm tra c‌ơ thể lợn con, phát hiện chân nó có đến 5 móng, chứ không phải 3 móng như những con lợn thông thường khác.

Theo người Khmer thì lợn 5 móng là “cốt tinh” của con người. Mang ý nghĩa tâm linh xúi quẩy nên gia đình nào nuôi phải con heo này thì sẽ gặp bất hạnh, lục đục do bị con heo “thành tinh” này quấy phá.

Sau khi bắt gặp lợn 5 móng, người làm công quả trong chùa đã đưa lợn vào chùa chăm sóc, mua sữa cho uống. Những năm sau nhiều người trong vùng có những lợn 5 móng khác cũng mang đến gửi vào chùa Dơi nhờ nuôi hộ. Vì thế, số lượng các lợn cứ tăng dần, đến cả chục con. Con lợn 5 móng đầu tiên sống được 7 năm, qua đời vào năm 1996.


Nghĩa trang lợn 5 móng tại chùa

Cũng vì những chuyện kỳ lạ mà nhiều người tin rằng có điều huyền bí, hiển linh gì đó xung quanh khu “nghĩa trang của lợn 5 móng”, nhiều người cho rằng những con lợn nuôi lâu năm khi chết sẽ rất linh thiêng. Và cũng chính điều này làm càng làm cho ngôi chùa trở thành địa điểm hấp dẫn du khách đến tham quan. Nếu muốn một lần nhìn tận mắt loài vật này, các nhà sư sẵn sàng dẫn quý khách đi lối cổng sau của chùa để thăm những chú heo 5 móng tại nhà nuôi.

Chùa Dơi ở Sóc Trăng là một ngôi chùa thu hút nhiều du khách tới thăm ở cả lối kiến trúc độc đáo và cả những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn nhuốm màu tâm linh. Nếu về Sóc Trăng, quý khách hãy ghé thăm chùa Dơi để thỏa trí hiếu kỳ về những điều kỳ lạ chỉ có ở nơi đây nhé.

Du lịch Việt Vui tổng hợp

Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Đến chùa Dơi ở Sóc Trăng tìm lời giải bí ẩn "ngàn năm"

Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.

Không có bình luận.

Đang chuyển đổi...

Vui lòng chờ trong giây lát

Hotline
HOTLINE HỖ TRỢ
Call