Khám phá những lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Cà Mau
- Mon, 13/04/2020
- 0 nhận xét
Bên cạnh những địa điểm du lịch hấp dẫn thì du khách Cà Mau còn được tham dự những lễ hội dân gian vô cùng hấp dẫn nếu đến đây trong thời gian diễn ra lễ hội. Khám phá lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Cà Mau là điều được nhiều du khách mong đợi nhất trong hành trình đi du lịch vùng đất mũi Cà Mau.
1. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc
Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia
Cà Mau – mảnh đất nằm ở phía cực Nam của Tổ Quốc không có nhiều lễ hội. Tuy nhiên, mỗi một lần lễ hội ở đây được tổ chức là khách du lịch Cà Mau đều nô nức và phấn khởi tham gia. Những lễ hội dân gian độc đáo và hấp dẫn ở Cà Mau gồm có: lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, lễ vía bà Thiên Hậu, lễ tế Thần Nông và lễ hội Kỳ Yên.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là một lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Cà Mau có nguồn gốc từ người Chăm ở Campuchia. Lễ hội này là tín ngưỡng dân gian thờ phụng Cá Ông (hay cá voi) của các ngư dân xưa. Những người Chăm di dân đến Cà Mau đã mang lễ hội dân gian này đến mảnh đất ven biển Sông Đốc. Từ đó, cứ mỗi dịp 14 – 15 – 16 tháng 2 Âm Lịch hàng năm là người dân từ khắp nơi đều đổ về thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau để tham gia lễ hội.
Đoàn thuyền rước Ông từ lăng Ông đi vòng quanh thị trấn Sông Đốc
Theo lời kể của các ngư dân đi biển thì Cá Ông được xem là thần biển được người dân miền biển tôn thờ và sùng kính. Người dân miền biển Cà Mau còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về câu chuyện Cá Ông hiện ra hộ tống tàu bè đi biển vào bờ bình an mỗi khi có mưa bão, sóng to gió lớn trên biển. Để tôn kính vị thần Cá Ông, mỗi khi có Cá Ông gặp nạn trên biển, các ngư dân lại kéo xác vào bờ và tổ chức mai táng theo nghi thức trang trọng nhất. Ở Cà Mau hiện có 2 lăng thờ Cá Ông lớn đó là lăng Cá Ông Sông Đốc và lăng Cá Ông Hòn Đá Bạc.
Lễ hội Nghinh Ông là một trong những lễ hội dân gian lâu đời nhất ở Sông Đốc được các đời ngư dân Sông Đốc gìn giữ hàng trăm năm nay. Lễ hội Nghinh Ông bắt đầu bằng màn rước Cá Ông vào lúc 14h ngày 15 tháng 2 Âm Lịch. Đoàn rước Cá Ông sẽ khởi hành từ Lăng Ông Sông Đốc và diễu hành quanh thị trấn. Thuyền rước Ông là chiếc thuyền lớn nhất đi đầu đoàn rước, trên thuyền có 1 lư hương lớn thắp nhang nghi ngút. Theo sau thuyền rước Ông là thuyền chở đội múa lân, thuyền chở trống lớn cùng nhiều thuyền nhỏ chở “tôm, cua, cá”… được trang hoàng cờ hoa rực rỡ sắc màu.
Trong lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc thì khoảng thời gian mà du khách chờ đợi nhất chính là lúc diễn ra các trò chơi dân gian sau lễ rước Ông. Những trò chơi dân gian hấp dẫn như đánh cờ, kéo co, đẩy gậy, múa lân, múa kiếm… đầy sôi động thu hút đông đảo khách du lịch Cà Mau tham gia.
2. Lễ vía bà Thiên Hậu Cà Mau
Đoàn rước bà Thiên Hậu luôn có 8 thiếu nữ mặc xường xám, tay cầm đèn lồng
Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng 3 Âm Lịch là chùa bà Thiên Hậu ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau lại diễn ra lễ hội vía Bà Thiên Hậu – một trong những lễ hội độc đáo, hấp dẫn ở Cà Mau. Đây là một lễ hội rất lớn của người Hoa ở Cà Mau. Ngày lễ này được tổ chức vào ngày sinh của bà Thiên Hậu, ngày 23 tháng 3 Âm Lịch để tưởng nhớ công ơn của bà. Người Hoa tin rằng bà Thiên Hậu là thần được trời sai xuống để cứu nhân độ thế. Lại có truyền thuyết của người Hoa kể lại rằng bà Thiên Hậu nhặt được Thiên Thư trong giếng cạn nên có nhiều phép thần thông cứu người.
Người dân ở khắp mọi nơi đổ xô về chùa bà Thiên Hậu để cúng vái trong dịp lễ
Sau khi mất bà còn nhiều lần hiển linh cứu những người đi biển tai qua nạn khỏi… Chính vì thế, vào dịp này, ngoài người Hoa thì người Việt và người Khmer sống ở ven biển cũng đổ về chùa Bà Thiên Hậu cúng vái, cầu bình an. Lễ vía bà Thiên Hậu còn có vật phẩm cúng là 12 con heo trắng. Trong nghi thức rước bà Thiên Hậu sẽ có 8 thiếu nữ được chọn mặc bộ áo váy xườn xám, tay cầm lồng đèn đi trước kiệu bà Thiên Hậu.
3. Lễ tế Thần Nông ở Cà Mau
Lễ tế Thần Nông thường được tổ chức vào tháng 2 Âm Lịch hàng năm
Lễ tế Thần Nông là một trong những nghi lễ cúng quan trọng nhất trong lễ hội Kỳ Yên được tổ chức ở Đình Thần Tân Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Với một địa phương sống bằng nghề trồng lúa như Tân Lộc thì lễ tế Thần Nông chính là dịp để họ cầu xin mưa thuận gió hòa, xua đuổi sâu bọ.
Ở Cà Mau, lễ tế Thần Nông thường diễn ra vào mùa xuân (khoảng tháng 2 Âm Lịch). Lễ tế sẽ bắt đầu khi bài Hương văn của lễ tế được xướng lên. Trong lúc xướng bài Hương văn thì những người còn lại trong ban tổ chức sẽ thực hiện các động tác cúng bái, đi, đá chân lên xuống theo nhịp trống.
Nghi thức đọc Hương văn cầu bình an, mưa thuận gió hòa được diễn ra vô cùng trang trọng
Mỗi khi lễ tế Thần Nông được tổ chức thì những người làm nông ở Cà Mau đều quy tụ tham gia lễ hội. Sau khi lễ tế kết thúc thì phần lễ hội với những màn múa lân, kéo co, đẩy gậy… mới bắt đầu. Đây cũng phần đặc biệt hấp dẫn khách du lịch Cà Mau đến tham dự lễ hội.
4. Lễ hội Kỳ Yên ở đền thần Tân Hưng
Lễ Kỳ Yên ở đền thần Tân Hưng là một trong những ngày lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau
Vào mùng 10 và 11 tháng 5 Âm Lịch ở đền thần Tân Hưng diễn ra lễ hội Kỳ Yên. Vào dịp này, lễ hội Kỳ Yên được tổ chức ở nhiều nơi nhưng không nơi nào mà lễ hội được tổ chức trang trọng như ở đền thần Tân Hưng. Vào ngày lễ này thì người dân ở Tân Hưng và nhiều nơi khác đều kéo đến đền thần Tân Hưng để tham dự lễ hội khiến không khí quanh đền trở nên vô cùng ồn ào và náo nhiệt.
Ngày đầu tiên của lễ hội Kỳ Yên ở đền thần Tân Hưng bắt đầu bằng lễ rước sắc thần cầu bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau lễ rước là những nghi thức đọc Hương văn, cúng tế, rồi mới đến phần sôi động nhất của lễ hội là các hoạt động vui chơi và trò chơi dân gian hấp dẫn. Các hoạt động vui chơi giải trí như múa lân, kéo co, chơi cờ, đấu vật, hát bội, đờn ca tài tử… sẽ kéo dài đến cuối ngày thứ 2 của lễ hội. Lễ hội Kỳ Yên là một trong những sự kiện lễ hội lớn nhất ở đền thần Tân Hưng nên du khách đến đây vào thời gian diễn ra lễ hội đừng bỏ qua cơ hội tham gia sự kiện hấp dẫn này.
Trong lễ hội thường có các sự kiện múa lân, đấu vật, đẩy gậy, đờn ca tài tử…
Xem thêm “Top 10 quán café đẹp ở Cà Mau làm say mê khách du lịch”.
Lễ hội dân gian là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Cà Mau. Khám phá lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Cà Mau chính là dịp để du khách tìm hiểu đời sống tâm linh của người dân Cà Mau. Bên cạnh đó, không khí lễ hội sôi động và náo nhiệt cũng góp phần làm cho chuyến du lịch Cà Mau của du khách thêm thú vị và hấp dẫn.
Du lịch Việt Vui tổng hợp
Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Khám phá những lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Cà Mau
Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.