Một ngày ghé thăm vườn nhãn cổ trăm tuổi ở Bạc Liêu
- Fri, 25/10/2019
- 0 nhận xét
Ở Bạc Liêu có một địa điểm rất nổi tiếng mà bất cứ ai đến với vùng đất này đều mong muốn đến tham quan, đó là vườn nhãn cổ nay đã hơn trăm tuổi. Đến đây, du khách sẽ được thư giãn trong không gian rộng, thoáng đãng, được thưởng thức loại trái cây ngon nổi tiếng. Đồng thời được tìm hiểu văn hóa đất giồng giao thoa của người Kinh, người Khmer và người Hoa và có cơ hội nghe đờn ca tài tử “dạ cổ hoài lang” - đặc sản của nơi đây. Mời quý khách cùng Viet Fun Travel dành một ngày ghé thăm vườn nhãn cổ đặc biệt này nhé.
1. Ngắm nhìn vườn nhãn hơn 100 tuổi cổ kính
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 6km về hướng biển. Vườn rộng khoảng 230ha, chạy dài trên 11km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu. Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã được trồng trên trăm năm trước. Đây là nơi có hàng trăm gốc nhãn cổ thụ, vươn cành cao vút tạo nên những tán cây phủ bóng mát cho du khách ghé thăm. Dáng hình ngoằn ngoèo, uốn lượn nhưng rắn rỏi của những cây nhãn lâu năm in hằn dấu vết thời gian tạo cho du khách cảm giác thú vị khi ngắm nhìn.
Một góc vườn nhãn xanh ngút ngàn từ trên cao nhìn xuống
Có những cây hơn trăm năm, trải qua bao thế hệ vun trồng chăm sóc nay vẫn cho ra hoa thơm trái ngọt cho đời. Đi dưới vườn nhãn cổ là cảm giác thư thái thoang thoảng hương, gió mát nhẹ. Ngắm nhìn vẻ gân guốc, sần sùi của những gốc nhãn mới thấy sức sống mãnh liệt của loài cây ăn trái ở vùng đất này. Tận tay sờ, chạm vào thân cây để tâm hồn người hòa quyện vào thiên nhiên, cây cối. Bình yên và nhẹ nhàng làm sao!
Hoa nhãn nở rộ tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp tại vườn nhãn
Nếu du khách vào thăm vườn nhãn vào dịp tháng 4 tháng 5 đúng mùa nhãn ra hoa thì sẽ được ngắm khung cảnh vô cùng nên thơ, đẹp mắt. Vườn nhãn được phủ một màu trắng ngà của hoa nhãn và ngập tràn hương thơm của hoa làm thu hút những đàn ong đi lấy mật. Đến đây, du khách không chỉ “đã mắt” ngắm bức tranh đẹp nao lòng người mà còn được hít hà mùi thơm nhẹ, ngọt ngào của hoa nhãn. Đứng giữa vườn nhãn rộng lớn lúc này du khách sẽ cảm giác vô cùng sảng khoái, như trút bỏ hết mọi ưu tư muộn phiền.
Những chùm nhãn xum xuê luôn là hình ảnh đẹp mắt
Còn nếu du khách đến thăm vườn nhãn vào tháng 9 tháng 10 đúng vụ thu hoạch thì lại càng háo hức hơn. Vườn nhãn lúc này oằn mình đỡ những chùm nhãn xum xuê, trĩu quả trông thật thích mắt. Màu xanh của lá gần như nhường lại không gian cho màu vàng nâu của những trái nhãn đang chờ người hái. Đến vườn nhãn đúng dịp này thì quý khách sẽ được thưởng thức loại trái cây đặc sản là nhãn giống Su-bic và Tu-huýt dày cùi, thơm ngọt không nơi nào có được.
2. Đặc sản nhãn cổ trăm tuổi
Vườn nhãn cổ nằm ở vùng giồng đất bồi màu mỡ ven biển của Bạc Liêu nên phát triển rất tốt. Đất giồng là loại đất có độ thoát nước tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày… Loại đất này thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái và một số loại hoa màu đặc biệt là cây nhãn. Tới tham quan vườn nhãn cổ, du khách sẽ được tìm hiểu về hai giống nhãn Su-bic và Tu-huýt có nguồn gốc từ Trung Hoa tồn tại cả trăm năm nay.
Vào đầu đầu thế kỷ 19, khi người Hoa di cư đến đây sinh sống, ông Trương Hưng là một trong số những người Hoa này đã mang hai giống nhãn này từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Cả hai giống nhãn này đặc biệt thích nghi và phát triển rất tốt cho trái to, dày cùi, hạt nhỏ, vị ngọt thanh đặc biệt được nhiều người ưa thích.
Đặc sản nhãn Bạc Liêu thơm ngọt, dày cùi
Hiện tại, khu vườn nhãn lớn nhất (rộng tới 3ha) của gia đình ông Trương Kiết tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) vẫn còn gốc nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, gốc lớn hai người ôm không xuể. Đến vườn nhãn, ngoài được hưởng thụ không khí trong lành, ôm những gốc cây nhãn cổ thụ, du khách lại còn có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
3. Những hoạt động vui chơi trải nghiệm tại vườn nhãn
Xác định vườn nhãn là một lợi thế để khai thác du lịch sinh thái nên tỉnh Bạc Liêu đã kéo điện lưới quốc gia, đầu tư làm đường lộ nhựa chạy dọc về các khu vườn nhãn... Việc này đã tạo điều kiện tốt cho người dân, du khách đến vườn vui chơi, trải nghiệm. Người dân thành phố Bạc Liêu từ lâu đã xem đây là một địa điểm đi chơi lý thú. Chiều chiều, họ cùng nhau ra đây đổi gió, nhất là thứ bảy, chủ nhật. Đặc biệt, vào các ngày rằm tháng 7-8 Âm lịch và lễ Quốc khánh 2-9, vườn nhãn, giồng nhãn đón hàng chục ngàn du khách gần xa.
Với không gian xanh rộng, thoáng, khô ráo, sạch sẽ, du khách đến vườn nhãn có thể tham gia các hoạt động vui chơi, dã ngoại, cắm trại cùng người thân, gia đình, bạn bè. Nếu đến vào dịp thu hoạch nhãn, du khách được tham gia trải nghiệm hái nhãn cùng người dân. Nếu đến vào dịp lễ Tết như Trung thu, du khách còn có cơ hội vui chơi tại lễ hội địa phương, nghe đờn ca tài tử, nghe người Bạc Liêu hát bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Hoạt động hát đờn ca tài tử tại vườn nhãn đặc sắc
4. Di chuyển đến vườn nhãn cổ
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu nằm cách trung tâm thị xã Bạc Liêu 6km. Để đến được vườn nhãn này, trước hết quý khách phải đến được trung tâm thị xã Bạc Liêu. Tuy nhiên, ở đây hiện chưa có sân bay nên để đến được đây quý khách có thể di chuyển tới sân bay Cà Mau và đi xe khách tới Bạc Liêu. Cà Mau tới Bạc Liêu chỉ khoảng 60km nên sẽ khá thuận tiện cho quý khách.
5. Giá trị văn hóa lịch sử của vườn nhãn
Có thông tin cho rằng, mong muốn bảo tồn và phát triển vườn nhãn cổ gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Hoa – Khmer ở Bạc Liêu. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiến hành quy hoạch lại khu vườn nhãn cổ thụ, thêm vào đó là các loại nhãn khác hoặc xen canh cùng xoài, sa pô, mãng cầu, cam, bưởi... và bố trí thêm cây cảnh, hoa kiểng tạo cảnh quan đẹp hơn, phục vụ nhu cầu du lịch, ngắm cảnh của du khách gần xa.
Những gốc nhãn cổ thụ hình dáng kỳ lạ
Về lâu dài, tại đây sẽ là nơi tổ chức các hội thi cây cảnh, cá cảnh, chim thú... vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân vừa thu hút khách tham quan đến nhiều hơn. Đặc biệt, khu du lịch vườn nhãn còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống. Tại đây sẽ xây dựng nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật tóm lược lịch sử hình thành và phát triển của 3 dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer) từ ngày đầu về cư ngụ đến nay. Riêng các vườn nhãn sẽ xây dựng thêm nhà lá khung gỗ của người Kinh, nhà ngói ba gian của người Hoa, nhà sàn mái cong của người Khmer. Đây vừa là nhà mẫu truyền thống của dân tộc vừa là nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi.
Trong từng gốc nhãn cổ thụ ở Bạc Liêu ẩn chứa nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử riêng có của vùng đất này. Vườn nhãn cổ 100 tuổi chính là minh chứng sống cho lịch sử hình thành của đất giồng Bạc Liêu và sự gắn bó của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Bởi vậy, giá trị vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu mang lại không chỉ đơn thuần vườn trái cây phục vụ nhu cầu ăn uống hay tham quan du lịch mà còn hàm chứa niềm tự hào của người dân Bạc Liêu qua nhiều thế hệ. Về Bạc Liêu, du khách nhớ ghé thăm vườn nhãn cổ thụ này nhé!
Du lịch Việt Vui tổng hợp
Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Một ngày ghé thăm vườn nhãn cổ trăm tuổi ở Bạc Liêu
Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.