Tìm hiểu Mùng 6 Tết là ngày mấy Dương lịch?
- Tue, 04/01/2022
- 0 nhận xét
Tết Nguyên Đán là dịp lễ trọng đại của người Việt, là cơ hội để những đứa con xa xứ nô nức trở về quê hương sum họp gia đình. Đa phần mọi người sẽ cố gắng sắp xếp để nghỉ Tết đến hết mùng 6 để tận hưởng trọn vẹn hơn thời gian bên gia đình. Vậy thì năm nay, mùng 6 Tết là ngày mấy Dương lịch?
1. Mùng 6 Tết là ngày mấy Dương lịch?
Mùng 6 Tết Nguyên đán năm nay chính là ngày 30/1/2020. Đây là ngày Nhâm Thân, tháng Mậu Dần, năm Canh Tý. Theo lịch vạn niên, mùng 6 Tết 2020 là ngày Hảo thương, tức rất thuận lợi cho việc xuất hành, khai trương. Các giờ hoàng đạo là Tý (23-1), Sửu (1-3), Thìn (7-9), Tỵ (9-11), Mùi (13-15), Tuất (19-21).
Như vậy, mùng 6 Tết 2020 rơi vào cuối tháng 1 dương (tháng 1 năm nay có 31 ngày). Theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì Tết Nguyên đán năm nay, cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp sẽ được nghỉ 7 ngày. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất này.
Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ Tết từ ngày 23/1/2020 (tức ngày 29/12/2019 Âm lịch) đến ngày 29/1/2020 (tức ngày 5/1/2020 Âm lịch). Có thể thấy, vào ngày mùng 6 Tết, rất nhiều người đã phải bắt đầu quay trở lại công việc.
Mùng 6 Tết là ngày 30/1/2020 dương lịch
2. Những việc người Việt thường làm vào ngày mùng 6 Tết
Tết Nguyên đán là phong tục truyền thống từ lâu đời của người Việt và đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của Việt Nam. Dịp Tết này là để đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, đồng thời là dịp để mọi người tụ họp lại trong niềm vui sau một năm tản mát đi làm ăn các nơi.
Mùng 6 vẫn được tính là còn trong Tết
Vì thế, những ngày đầu tiên của năm mới, thường được tính từ ngày mùng 1 tới ngày mùng 10 Âm lịch, được xem là rất quan trọng. Trong những ngày này, người Việt có rất nhiều tục lệ khác nhau để bày tỏ niềm hạnh phúc bên người thân và “tống cựu nghinh tân”, đón chào năm mới với nhiều hi vọng tốt lành.
Ngày mùng 6 Tết vẫn còn được xem là thuộc về Tết, là những ngày đầu tiên của năm mới, do đó người Việt thường làm những điều sau vào ngày này:
- Đi chúc Tết: Vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, người Việt thường dành thời gian đi chúc Tết cho ông bà, cha mẹ, họ hàng hai bên nội ngoại. Ngày mùng 3 là để đi chúc Tết các thầy cô giáo. Rất nhiều gia đình cũng làm lễ cúng hết Tết vào ngày mùng 3, do đó từ mùng 4 trở đi, mọi người có nhiều thời gian đi chúc Tết bạn bè, đồng nghiệp hơn.
Vào ngày mùng 6 Tết, người Việt vẫn còn đi chúc Tết lẫn nhau. Khác với mùng 1, mùng 2 và mùng 3, không khí đi chúc Tết của mùng 6 khá thoải mái. Mọi người lúc này đều đã ở tâm trạng không còn phải lo lắng việc chuẩn bị Tết, việc đón giao thừa hay phải đi chúc Tết theo vai vế trong gia đình nữa.
Do đó, tâm trạng ai cũng thư thả, thoải mái hơn nhiều. Rất nhiều người chọn ngày mùng 6 Tết để đi chúc Tết bạn bè, những người đồng nghiệp để tận hưởng cảm giác vui đùa xả láng với những người đồng trang lứa.
- Làm lễ hết Tết: Theo quan niệm truyền thống phổ biến của người Việt, lễ cúng giao thừa là để nghênh đón các vị thần linh, tổ tiên về ăn Tết với gia đình. Vì thế, khi hết Tết, gia chủ cũng phải làm lễ cúng kết thúc Tết để tiễn đưa các vị thần linh, tổ tiên trở về nơi của họ. Tùy theo phong tục của mỗi nơi mà thời điểm làm lễ cúng hết Tết khác nhau.
Có vùng chỉ cần xong mùng 1 là ngày nào cũng có thể làm lễ cúng kết thúc Tết. Có nơi làm lễ hết Tết vào ngày mùng 3. Một số nơi khác lại làm vào ngày mùng 5 hoặc mùng 6 Tết. Ở một số nơi của miền Bắc, mùng 6 Tết được chọn là ngày làm lễ Khai hạ, tức ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết.
Theo đó, người ta sẽ làm lễ hạ cây Nêu và từ mùng 7 âm lịch trở đi, người ta quay trở lại với công việc làm ăn và cuộc sống thường nhật. Lễ cúng hết Tết cũng khác nhau tùy theo tín ngưỡng của từng gia đình. Với những người Việt theo tín ngưỡng thờ Tổ tiên, họ sẽ cúng hết Tết bằng một mâm cơm gồm nhiều món chay hoặc mặn và một mâm vàng mã.
Các thành viên trong gia đình sẽ tụ họp lại đầy đủ, làm lễ cúng, đợi nhang (hương) tàn là hạ mâm cỗ cúng xuống và đốt vàng mã. Sau khi đốt vàng mã, Tết được coi như kết thúc. Các việc kiêng kị trong Tết không còn phải giữ quá nghiêm ngặt nữa.
Một mâm cỗ cúng hóa vàng và hết Tết của người Việt
- Đi chơi xuân: Trước kia, người Việt hầu như đánh đồng đi chơi xuân với việc đi chúc Tết. Theo năm tháng, điều này gây ra cảm giác mệt mỏi bởi đi chúc Tết chủ yếu là để thăm gặp lẫn nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, sau đó người chúc lại đi sang nhà khác, do đó không phải là đi chơi thật sự.
Dần dần, người Việt đã có nhiều cách đi chơi xuân phong phú và thoải mái hơn để tìm được niềm vui thật sự với mình dịp năm mới. Hiện nay, đi chơi xuân có rất nhiều cách như đi ăn uống ở nhà hàng, quán cafe đẹp; đi chơi ở các trung tâm thương mại, khu công viên lớn; đến các địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước...
Mùng 6 Tết là ngày thích hợp để đi chơi xuân
Mùng 6 Tết là ngày mà các thủ tục, tục lệ của Tết Nguyên đán gần như đã xong, việc thăm hỏi chúc Tết họ hàng và người quen cũng đã tạm ổn. Do đó, đây là ngày rất thích hợp để người Việt đi chơi xuân. Nhiều người chọn dồn hết việc chúc Tết vào các ngày mùng 1, 2 và 3, còn từ ngày 4 đến ngày 6 là đi du lịch để tận hưởng cảm giác thảnh thơi, yên tĩnh và thư giãn nhất.
- Dọn dẹp nhà cửa: Nhiều gia đình khi bắt đầu qua khoảnh khắc giao thừa là quá bận rộn để dọn dẹp nhà cửa vì phải lo đón khách, đi chúc Tết, làm cơm đãi khách... Một số gia đình thì lại giữ tập tục hạn chế quét nhà, đổ rác vào dịp năm mới để tránh làm thất thoát tài lộc. Vì thế, ngày mùng 6 Tết, nhiều người Việt dành cho việc dọn dẹp nhà cửa để bình ổn lại trước khi quay về với công việc và cuộc sống thường nhật.
Để dọn dẹp nhà cửa vào mùng 6 Tết, gia chủ sẽ sắp dọn lại các bình bông được trưng trong nhà, mang cây cảnh ra vườn hoặc ra sân. Vào các ngày trước mùng 6, họ hàng, bạn bè có thể đến nhà ăn cơm, chúc Tết đông đúc nên bàn ghế trong nhà phải sắp xếp khác với thông thường. Vì thế, vào mùng 6 Tết, gia chủ sẽ xếp lại bàn ghế hay các đồ vật trong nhà về vị trí cũ để tiện sử dụng.
Những đồ dùng để trang trí và dùng riêng trong dịp Tết cũng được cất gọn. Một số nhà còn giữ lại cây cảnh và hoa Tết trong nhà, nhiều nhà khác thì gần như dọn sạch sẽ. Nhà cửa trở nên gọn gàng và có diện mạo gần như bình thường.
Như vậy, với bài viết trên, Viet Fun Travel đã giải đáp câu hỏi mùng 6 Tết là ngày mấy dương lịch và chia sẻ với du khách về những việc người Việt thường làm ngày mùng 6 Tết. Mong rằng bài viết nhỏ này sẽ đem lại cho du khách những thông tin thú vị và hữu ích. Để hiểu hơn về phong tục Tết Nguyên đán và các ngày đầu năm của người Việt, mời du khách đọc những bài viết khác về chủ đề này của Viet Fun Travel nhé.
Du lịch Việt Vui tổng hợp
Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Tìm hiểu Mùng 6 Tết là ngày mấy Dương lịch?
Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.