[HOT HOT] Tìm hiểu sự tích Tết Nguyên Đán của người Việt
- Wed, 22/01/2020
- 0 nhận xét
Nói đến Tết Nguyên đán là nói đến dịp Tết đầy ý nghĩa và thiêng liêng của người Việt. Đây là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của Việt Nam, đánh dấu cột mốc thời gian chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguồn gốc thú vị của Tết Nguyên Đán. Mời du khách cùng Viet Fun Travel tìm hiểu sự tích Tết Nguyên đán của người Việt qua bài viết dưới đây nhé.
-> Xem thêm: Tết Nguyên Đán bắn pháo hoa ở đâu?
1. Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên đán được tính theo Âm lịch và phổ biến ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Hồng Kong, Đài Loan, Mông Cổ... Vì thế, nhiều người cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc. Suy nghĩ này một phần bắt nguồn từ việc Việt Nam đã chịu 1.000 năm đô hộ của Trung Quốc.
Trên thực tế, trước khi bị Trung Quốc đô hộ 1.000 năm, người Việt đã có một thời kỳ lịch sử phát triển rực rỡ đầy tự chủ và độc lập. Từ thời nhà nước Văn Lang – Âu Lạc của vua An Dương Vương, lịch sử Việt Nam đã có tục lệ ăn mừng những ngày đầu năm mới. Trong kho tàng truyền thuyết dân gian của Việt Nam, sự tích bánh chưng, bánh dầy – 2 loại bánh truyền thống của Tết – đã có từ thời vua Hùng Vương.
Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước nguyên thủy của Việt Nam và sự tích bánh chưng đã có từ thời vua Hùng Vương
Như vậy có thể thấy, nguồn gốc Tết Nguyên đán của người Việt chính là bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước nguyên thủy của Việt Nam. Nền văn minh này phát triển mạnh về nông nghiệp, nhất là nghề trồng lúa. Do đó, một năm được chia thành 24 tiết khác nhau, trong đó tiết đầu tiên cũng là quan trọng nhất trong năm, chính là tiết bắt đầu của chu kỳ canh tác là Tết Nguyên đán.
Từ “tết” có từ gốc là từ “tiết”, tức “tiết khí” theo tiếng Hán Việt cổ. Từ “nguyên” có nghĩa là “đầu”, “đán” có nghĩa là “ngày”. Tổng quát lại, Tết Nguyên đán có nghĩa là ngày đầu tiên của năm Nông lịch (tức mùng 1 tháng Giêng). Do âm lịch tính theo chu kỳ của Mặt trăng mà Tết Nguyên đán lại tính theo âm lịch nên dịp Tết này luôn muộn hơn Tết dương lịch.
Tết Nguyên đán thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (tức ngày cúng ông Táo) cho tới ngày 7 – ngày 10 tháng Giêng tùy tập tục từng vùng. Trong sách An Nam Chí Lược – quyển sách được xem là công trình khảo cứu về Việt Nam lâu đời nhất do một người Việt Nam viết vào thế kỷ 14 – có ghi chép về ngày Tết Nguyên đán như sau:
“Thường năm, trước lễ Tết hai ngày, vua đi xe ngự-dụng, các quan tùy tùng đều mặc triều-phục hầu đạo tiền, tế điện Đế-Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan-Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối (...). Ngày Nguyên-Đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh-Thọ, các tôn-tử (con cháu nhà vua), các quan cận-thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường-Xuân, vọng bái các lăng tổ”.
Ghi chép này được xem là khá đầy đủ về truyền thống Tết Nguyên đán của người Việt. Sau này, nhiều học giả khác như Lê Quý Đôn cũng viết rõ ràng về các tập tục Tết Nguyên đán của người Việt.
Hình ảnh vua quan triều Nguyễn đón Tết Nguyên đán
-> Cùng Tìm Hiểu: Tết nên đi du lịch ở đâu đẹp?
2. Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán
Trong đời sống văn hóa, tâm linh và dân gian của người Việt, Tết Nguyên đán mang rất nhiều ý nghĩa:
- Ý nghĩa tâm linh: Việt Nam có nền văn minh lúa nước, lấy nông nghiệp làm trọng. Vì thế, từ thời nguyên thủy, người Việt đã rất coi trọng thiên nhiên. Với tâm lý “ơn Trời mưa nắng phải thì”, người Việt cổ luôn mang tâm thế tạ ơn các vị thần linh như Thần Mặt trời, Thần Nắng, Thần Mưa, Thần Sông, Thần Gió... đã giúp họ có một mùa màng tốt đẹp trong năm.
Tết Nguyên đán là dịp để người Việt bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng đế và các vị thần theo quan điểm của từng tôn giáo
Tết Nguyên đán chính là dịp để họ tạ ơn các vị thần và cám ơn những loài vật, cây cối đã nuôi sống, trợ giúp họ trong năm. Do đó, thời xưa, người Việt ăn Tết Nguyên đán rất dài, từ cuối tháng Chạp (tức tháng 12 âm lịch) cho tới tận tháng 3 âm lịch của năm sau. Trong dịp lễ dài này, họ ăn uống thỏa thuê và chơi các trò chơi dân gian sôi động như đá cầu, đánh cờ, đua thuyền, đấu vật...
Ngày nay, nghề nông nghiệp không còn chiếm đa số trong cộng đồng người Việt như trước kia nữa nhưng tâm thức muốn tạ ơn Trời Đất khi một năm cũ qua đi, năm mới sắp đến của người Việt vẫn còn in đậm. Vì thế, Tết Nguyên đán được xem là dịp để người Việt bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Thượng đế và ước mong giao hòa với thiên nhiên vạn vật.
Bởi vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, người Việt có nhiều phong tục thể hiện quan điểm tâm linh này của mình. Đầu tiên là lễ cúng ông Táo – vị thần trông coi nhà cửa, bếp núc của mình – vào ngày 23 tháng Chạp. Tiếp đó, vào những ngày cuối cùng của năm cũ, rất nhiều người Việt sẽ đi tảo mộ tổ tiên để dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của ông cha.
Vào thời khắc giao thừa, tức 12h đêm ngày 30 âm lịch, nhiều gia đình người Việt sẽ làm lễ cúng giao thừa với 2 mâm lễ trong nhà và ngoài trời. Sau đó, rất nhiều người sẽ lựa chọn ra một ngày đẹp trong những ngày đầu năm mới để làm lễ khai trương (ví dụ khai bút, mở cửa hàng, khai nghề...).
- Ý nghĩa văn hóa: Trong văn hóa của người Việt, ý nghĩa của Tết Nguyên đán rất sâu sắc và gắn bó chặt chẽ với đời sống. Quanh năm, các thành viên trong gia đình có thể tản mát đi các vùng xa quê hương để làm ăn. Nhưng khi Tết đến, mọi người đều cố gắng trở về quê nhà để sum họp cùng cha mẹ, anh em, gặp gỡ họ hàng, bạn bè, cùng nhau đón chào năm mới.
Vì thế, Tết Nguyên đán được xem là dịp đoàn viên, khi mọi người cố gắng về quê ăn Tết. Bao nhiêu vất vả trong năm và lo toan chưa giải quyết được đều gác sang một bên để mọi người cùng nhau sum vầy trong sự ấm cúng của tình thân. Đa phần, những người xa quê sẽ cố gắng về nhà trước đêm giao thừa, để có thể quây quần bên nhau trong thời khắc trọng đại chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Tết Nguyên đán là dịp để mọi người đoàn viên
Để chuẩn bị cho dịp sum họp này, các gia đình thường làm rất nhiều món ăn ngon, trong đó có nhiều món có thể để lâu trong nhiệt độ thường mà không bị hỏng như bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, các loại dưa cà... Theo quan niệm dân gian, Tết là dịp của đoàn viên và sự sung túc, vì thế các gia đình đều cố gắng để chuẩn bị cái Tết đủ đầy nhất trong khả năng của mình.
Bên cạnh đó, mọi người cũng sẽ đi chúc nhau trong dịp năm mới những lời chúc tốt đẹp nhất. Khách du lịch đến Việt Nam vào khoảng thời gian của Tết sẽ thấy các gia đình đi chúc nhau, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp... đều dành cho nhau những lời chúc đầy ý nghĩa.
-> Cùng xem thêm: TOP những lời chúc Tết Nguyên Đán hay và ý nghĩa tặng bạn bè, người thân
- Ý nghĩa ẩm thực: Tết Nguyên đán là dấu mốc quan trọng trong ẩm thực của Việt Nam. Có rất nhiều món ăn đặc trưng trước kia chỉ có trong dịp Tết như bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, mứt, giò chả... Vào dịp Tết Nguyên đán, mâm cơm của các gia đình người Việt đều đầy đặn và nhiều món ăn hơn bình thường rất nhiều.
Mỗi miền của Việt Nam lại có những món ăn truyền thống vào dịp Tết khác nhau. Miền Bắc có bánh chưng, thịt đông, xôi gấc, chè kho, dưa hành, giò, thịt gà luộc, nem rán, canh măng. Miền Trung lại có món bánh tét, nem chua, dưa món, chả bò, tôm chua, thịt ngâm mắm. Trong khi đó, các món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Nam là thịt kho nước dừa, củ kiệu tôm khô, bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt, dưa giá, lạp xưởng.
Mâm cỗ ngày Tết truyền thống của miền Bắc
Đây đều là những món ăn rất thơm ngon và thể hiện rõ ràng đặc trưng ẩm thực của từng vùng miền trên cả nước.
Qua bài viết trên có thể thấy, Tết Nguyên đán là dịp lễ trọng đại của người Việt, là truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Không chỉ là dịp để mọi người nghỉ ngơi, sum họp, Tết Nguyên đán còn là mùa của những phong tục dân gian đầy sinh động và đặc sắc.
Mời quý khách đánh giá hay góp ý về [HOT HOT] Tìm hiểu sự tích Tết Nguyên Đán của người Việt
Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.