Tour Du Lịch Việt Nam - Viet Fun Travel - Du Lịch Việt Vui

Ngày mùng 3 Tết tốt hay xấu?

  • 0 nhận xét
  • Ngày mùng 3 Tết tốt hay xấu?
    4.0/5 sao 251 lượt

Theo phong tục dân gian của người Việt, 3 ngày đầu tiên của năm mới là mùng 1, mùng 2 và mùng 3 rất quan trọng. Với quan điểm “đầu xuôi đuôi lọt”, người Việt cho rằng 3 ngày đầu năm tốt đẹp, may mắn thì cả năm sẽ được thuận lợi, trôi chảy và phát triển. Do đó, rất nhiều người quan tâm đến việc ngày mùng 3 Tết tốt hay xấu? Bài viết dưới đây của Viet Fun Travel sẽ chia sẻ với du khách về vấn đề này và một số điều thú vị xoay quanh ngày mùng 3 Tết Nguyên đán nhé.

1. Ngày mùng 3 Tết tốt hay xấu?

Quan niệm ngày tốt và ngày xấu rất phổ biến trong văn hóa và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Trước kia, khi chưa có cách tính ngày theo lịch Dương, người Việt đã có nhiều thế kỷ tính ngày tháng theo lịch Âm. Sau này, khi văn hóa phương Tây hội nhập vào Việt Nam, lịch Dương mới dần đi vào đời sống.

Tuy nhiên, các vấn đề về tâm linh vẫn được tính khá nhiều theo lịch Âm. Tết Nguyên đán là dịp lễ hoàn toàn tính theo lịch Âm, vì thế nói về ngày mùng 3 Tết là tốt hay xấu chính là nói về ngày tốt xấu theo quan điểm dân gian từ xa xưa. Phong tục dân gian cho rằng ngày tốt chính là những ngày lành, thích hợp để làm các việc lớn như cưới hỏi, khởi công xây nhà, khai trương, xuất hành, động thổ...


Ngày mùng 3 Tết 2020 rơi vào ngày 27/1 Dương lịch

Khi chọn được ngày tốt thì những việc làm trong ngày này sẽ được thuận lợi, hanh thông và thu được nhiều thành công sau đó. Còn ngày xấu là những ngày không thích hợp để làm các việc trên. Khi chọn phải ngày xấu thì công việc sẽ bị thất bại, chẳng hạn khai trương xong ế ẩm, cưới hỏi về không hạnh phúc, xuất hành bị xui xẻo...

Quan điểm này ảnh hưởng sâu rộng đến tâm lý của người Việt. Đến mức có rất nhiều tài liệu, sách vở nói về cách tính toán ngày tốt xấu và cả rất nhiều người hoạt động tâm linh chuyên về việc xem ngày. Ngày mùng 3 Tết vốn dĩ đã là ngày quan trọng vì là một trong ba ngày khởi đầu năm mới, vì thế việc xem ngày này tốt hay xấu càng được nhiều người quan tâm.

Năm nay, ngày mùng 3 Tết rơi vào ngày 27/1 Dương lịch. Đây là ngày Kỷ tỵ, tháng Mậu Dần, năm Canh Tý. Theo lịch vạn niên phổ biến, mùng 3 Tết là ngày Kim Dương, tốt cho việc xuất hành. Xuất hành là một trong những tục lệ lâu đời của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Tục lệ này có nghĩa là vào đầu năm mới, gia chủ sẽ chọn ra ngày giờ tốt để đi ra khỏi nhà, ví dụ đi chùa, đi nhà thờ, đi hái lộc...

Khi chọn được ngày giờ tốt, việc xuất hành sẽ diễn ra thuận lợi, có thể gặp được quý nhân và tài lộc cả năm thông suốt. Như vậy, theo lịch vạn niên, ngày mùng 3 Tết 2020 là ngày tốt cho xuất hành. Các giờ hoàng đạo trong ngày này là giờ Sửu (1 – 3), giờ Thìn (7 – 9), giờ Ngọ (11 – 13), giờ Mùi (13 – 15), giờ Tuất (19 – 21), giờ Hợi (21 – 23).


Theo lịch vạn niên, mùng 3 Tết là ngày đẹp thích hợp việc xuất hành

Các giờ hắc đạo, tức không tốt cho xuất hành là giờ Tí (23 – 1), giờ Dần (3 – 5), giờ Mão (5 – 7), giờ Tỵ (9 – 11), giờ Thân (15 – 17), giờ Dậu (17 – 19). Tuy nhiên, đây chỉ là tổng quát cơ bản về ngày mùng 3 Tết. Để biết được ngày giờ tốt thật sự hợp với mình, người Việt thường đi xem bói hoặc theo chỉ dẫn tâm linh mà mình tin tưởng.

2. Những việc nên làm vào ngày mùng 3 Tết

Vào ngày mùng 3 Tết, người Việt thường làm những điều dưới đây với mong muốn những điều tốt lành sẽ đến trong cả năm mới:

- Mở lớn các cửa sổ và cửa chính: Cửa sổ và cửa chính được xem là những đôi mắt của ngôi nhà, là nơi tiếp đón tài lộc và những điều may mắn đến với gia chủ. Do đó, vào ngày mùng 3 Tết, người Việt thường mở lớn các cửa trong nhà để nghênh đón các vị khách đến chúc Tết, những điều tốt đẹp và để không khí thiên nhiên tràn ngập vào ngôi nhà.

Như vậy, các vị khách khi đến chúc Tết có thể thấy được gia chủ đang ở trong nhà và đang sẵn sàng đón khách. Đồng thời, ngôi nhà cũng sẽ được thông thoáng và được những luồng gió trong lành của thiên nhiên tỏa mát.


Nhiều người Việt cho rằng nên mở cửa chính và cửa sổ đón Tết vào ngày mùng 3

- Cúng mùng 3 và hóa vàng tiễn tổ tiên: Đây là tục lệ của những người theo đạo Tổ Tiên, thờ ông bà của người Việt. Theo đó, từ ngày 29 hoặc 30 Tết, các gia đình này đã làm lễ cúng để mời Tổ tiên, những người đã khuất trong gia đình về ăn Tết cùng các thành viên. Trong các ngày Tết, những vị tổ tiên này sẽ ngự trên bàn thờ của gia đình.

Vì thế, suốt khoảng thời gian này, đèn và nhang (hương) trên bàn thờ của gia chủ không được tắt để các vị tổ tiên thấy được lòng thành kính của con cháu. Các món đồ dâng lên cúng như trái cây, bánh kẹo không được hạ xuống ăn trong những ngày này. Sau đó, đến ngày mùng 3 Tết (một số nơi là ngày mùng 7), gia chủ sẽ làm lễ cúng để tiễn Tổ tiên và hóa vàng kết thúc Tết.

Lễ cúng tiễn Tổ tiên tức là để đưa tiễn Tổ tiên trở về với cõi Âm, và hóa vàng chính là đốt các loại vàng mã để Tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình có thể nhận được. Tục hóa vàng và cúng tiễn Tổ tiên ngày mùng 3 Tết để bày tỏ mối liên kết giữa người sống và người đã mất trong quan điểm tâm linh của một bộ phận người Việt.

- Không động dao kéo: Theo quan điểm của nhiều người Việt, ngày mùng 1, mùng 2 và cả mùng 3 Tết là những ngày không nên động dao kéo. Bởi dao kéo là vật sắc nhọn nên có sát khí, có thể cắt đứt đường tài lộc, tình duyên hoặc đường may mắn của gia chủ. Do đó, vào những ngày đầu năm mới, người Việt thường hạn chế hết mức việc sử dụng dao kéo.

- Không ngồi và đứng trước cửa/ cổng chính của nhà người khác: Một số người cho rằng việc ngồi hay đứng trước cửa/ cổng chính sẽ làm cản trở đường đi của vượng khí gia đình. Thêm nữa, vào ngày mùng 3 Tết, mọi người thường đến nhà nhau chúc Tết nên việc đứng trước cửa/ cổng của nhà người khác còn là hành động khá vô duyên.

- Đi thăm thầy cô giáo: Phong tục truyền thống của Việt Nam cho rằng bên cạnh cha mẹ thì thầy cô giáo là những người có vị trí rất quan trọng. Cha mẹ có công ơn sinh thành, còn thầy cô giáo có công ơn giáo dục. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, chỉ cần có một ngày đã dạy dỗ học trò thì cả đời người học trò đó đều cần nhớ đến người đã dạy mình điều hay lẽ phải. Do đó, ngày mùng 3 Tết được xem là ngày để mọi người đến chúc Tết các thầy cô giáo của mình, gọi tắt là mùng 3 Tết thầy.


Mùng 3 được xem là ngày đi chúc Tết các thầy cô giáo của người Việt

Bởi vậy, vào ngày này, người Việt dù ở lứa tuổi nào cũng có thể đi chúc Tết thầy cô của mình. Rất nhiều người tóc đã muối tiêu vẫn đi chúc Tết người thầy đầu đã bạc phơ hoặc những cô bé, cậu bé học trò nhỏ xíu được cha mẹ chở đi chúc Tết cô giáo của mình. Đây là một trong những tục lệ lâu đời và đầy ý nghĩa của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán.

Trên đây là một số điều thú vị về ngày mùng 3 Tết Nguyên đán mà Viet Fun Travel muốn chia sẻ với du khách. Qua đó có thể thấy, phong tục ăn Tết của người Việt rất sinh động, đặc sắc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Để hiểu hơn về phong tục đón Tết Nguyên đán của người Việt, mời du khách đọc thêm những bài viết khác về chủ đề này của Viet Fun Travel nhé.

Du lịch Việt Vui tổng hợp

Mời quý khách đánh giá hay góp ý về Ngày mùng 3 Tết tốt hay xấu?

Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.

Không có bình luận.

Đang chuyển đổi...

Vui lòng chờ trong giây lát

Hotline
HOTLINE HỖ TRỢ
Call