"Điểm mặt" Top 10 lễ hội đặc sắc không thể bỏ lỡ ở Sóc Trăng
- Mon, 26/10/2020
- 0 nhận xét
Sóc Trăng từ lâu đã nổi tiếng là nơi cư trú, sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau. Vì sự giao thoa từ các nền văn hóa Kinh - Hoa – Khmer nên không có gì khó hiểu khi Sóc Trăng sở hữu những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy ở Sóc Trăng có những lễ hội nào nổi tiếng? Hãy cùng Viet Fun Travel tìm hiểu thông qua bài viết Top 10 lễ hội đặc sắc không thể bỏ lỡ ở Sóc Trăng.
Bài viết cùng chủ đề: 10 khách sạn, nhà nghỉ giá rẻ ở Sóc Trăng cho du khách lựa chọn
1. Lễ hội Nghinh Ông
Du lịch Sóc Trăng, đặc biệt là về vùng biển Trần Đề những ngày tháng 3 âm lịch, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí nhộn nhịp của lễ hội Nghinh Ông. Được hình thành và giữ gìn qua nhiều thế hệ, Nghinh Ông là lễ hội đậm tính truyền thống của bà con ngư dân, chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa to lớn.
Lễ hội Nghinh Ông
Với mục đích ghi nhớ công ơn vị thần Cá Ông đồng thời cầu mong một năm mới thuận buồm xuôi gió, thuyền cá đầy khoang, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm tại Lăng Ông huyện Trần Đề.
Thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng miền biển, lễ hội Nghinh Ông bắt đầu vào buổi sáng sớm với nghi lễ rước Ông trên biển. Kế đến là các nghi thức cúng bái tại Lăng gồm: Lễ cúng Tiên Sư, Lễ cúng Tiên Giảng, Lễ cúng Ông. Sau phần lễ là những hoạt động vui chơi, ăn uống và biểu diễn hát bội, đờn ca tài tử.
2. Lễ hội Cúng Phước Biển
Cúng Phước Kiển hay Chrôy Rum Chêk là lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào người Khmer vùng biển thị xã Vĩnh Châu – Sóc Trăng. Được tổ chức vào ngày 14 -15 tháng 2 âm lịch hằng năm, lễ hội Cúng Phước Biển diễn ra là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn đến biển cả, cầu ước một năm mới bội thu, ấm no.
Lễ hội Cúng Phước Biển
Kéo dài trong hai ngày hai đêm, lễ hội Cúng Phước Biển bao gồm ba nghi thức cúng bái chính là: lễ rước Phật, lễ cầu siêu và lễ an vị Phật. Các nghi lễ được tổ chức trong không khí trang nghiêm với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương.
Phần hội của lễ hội Cúng Phước Biển diễn ra trong sự náo nhiệt, vui tươi với các trò chơi dân gian thú vị như đua bò kéo xe, đẩy xiệp, thi lượm củ hành, đua ghe ngo trên cạn… Ngoài ra, còn có các chương trình văn nghệ đặc trưng văn hóa Khmer.
3. Lễ hội Sông Nước Miệt Vườn
Hằng năm vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, bà con cồn Mỹ Phước – huyện Kế Sách lại hân hoan tổ chức lễ hội Sông Nước Miệt Vườn. Với mục đích tôn vinh công lao và thành quả của những người nông dân Nam Bộ, lễ hội Sông Nước Miệt Vườn là hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh của bà con Sóc Trăng từ nhiều năm qua.
Lễ hội Sông Nước Miệt Vườn
Hoạt động chính trong ngày diễn ra lễ hội là tôn vinh những loại trái cây thơm ngon nổi tiếng như cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, bưởi da xanh Kế Thành, chôm chôm Phong Nẫm, măng cụt An Lạc Tây...
Bên cạnh triển lãm trái cây thì hội thi liên hoan ẩm thực miệt vườn cũng được xem là phần không thể thiếu của ngày hội. Liên hoan diễn ra sôi nổi có sự tham gia của nhiều đơn vị địa phương với nhiều món ăn dân dã hấp dẫn.
Nhiều năm, tại lễ hội Sông Nước Miệt Vườn còn tổ chức các giải đua thuyền rồng, liên hoan đờn ca tài tử, hội thi trò chơi dân gian và nhiều hoạt động thú vị khác.
4. Lễ hội Thác Côn
Còn được gọi với một cái tên khác là lễ hội Cúng Dừa, lễ hội Thác Côn là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Khmer vùng An Hiệp huyện Châu Thành. Lễ hội Thác Côn diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 2 âm lịch hằng năm. Địa điểm tổ chức lễ hội là chùa Mahasal Thatmon.
Lễ hội Thác Côn
Có nguồn gốc từ truyền thuyết về chiếc cồng vàng nổi lên ở vùng đất An Trạch Xưa, lễ hội Thác Côn gồm nhiều nghi thức cúng bái mang đậm tinh thần tín ngưỡng Phật Giáo. Có thể kể đến ba nghi thức chính là: dâng cơm cho nhà sư, rước nhà sư tụng kinh cầu siêu và nghe nhà sư thuyết pháp về giáo lý nhà Phật.
Sau các nghi lễ cúng bái trang nghiêm, lễ hội Thác Côn tiếp tục diễn ra bằng những buổi biểu diễn nghệ thuật Rô – băm và Dù kê truyền thống. Không khí ngày hội náo nhiệt, sôi nổi với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách khắp nơi.
5. Tết Chol Chnam Thmay
Nhắc đến những lễ hội văn hóa truyền thống của người Khmer thì Tết Chol Chnam Thmay được xem là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất. Ở Sóc Trăng, Tết Chol Chnam Thmay được tổ chức hầu như ở khắp địa bàn cả tỉnh, thường rơi vào ngày 14 – 16/4 dương lịch.
Tết Chol Chnam Thmay
Với người Khmer, Tết Chol Cham Thmay được tổ chức với ý nghĩa tạ ơn vị thần Têvôđa đã ra sức bảo vệ bà con có cuộc sống ấm no, phù trợ một năm mùa màng bội thu. Mang đậm văn hóa tín ngưỡng Phật Giáo, các nghi lễ hoạt động của Tết Chol Chnam Thmay hầu như diễn ra tại các ngôi chùa với không khí sôi nổi và vui tươi.
Diễn ra trong 3 ngày, Tết Chol Chnam Thmay còn là dịp để người Khmer đi thăm hỏi nhau, chúc nhau lời chúc sức khỏe và ấm no. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động vui chơi như đốt pháo thăng thiên, thả diều, đánh quay lửa, hát đối đáp Aday, hát Dù kê…
6. Lễ hội Ok Om Bok
Được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, lễ hội Ok Om Bok là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của người Khmer, được tổ chức với mục đích tạ ơn vị thần Mặt Trăng – vị thần mang đến những vụ mùa bội thu và những điều ước tốt đẹp.
Lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok diễn ra với nhiều nghi lễ độc đáo, trong đó đút cốm dẹp cho trẻ em được xem là nghi thức quan trọng và đặc sắc nhất. Ngoài ra, còn có các hoạt động giải trí hấp dẫn khác như: thả đèn gió, thả đèn nước…
Hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Ok Om Bok là đua ghe ngo. Đua ghe ngo là hoạt động vui chơi thể thao truyền thống hấp dẫn với những cuộc đua mang tinh thần cạnh tranh và sôi nổi. Thu hút sự tham dự của hàng ngàn người từ khắp nơi, đua ghe ngo diễn ra là dịp để người dân Sóc Trăng có được sân chơi giải trí sau thời gian làm việc vất vả.
7. Lễ hội Sen Đôn-ta
Lễ hội Sen Đôn-ta là lễ hội truyền thống của người Khmer có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt. Đây là nghi lễ được tổ chức để người Khmer tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, người thân và những người đã khuất.
Lễ hội Sen Đôn-ta
Được tổ chức trong suốt 3 ngày từ 29 đến mùng 1 tháng 9 âm lịch, lễ hội Sen Đôn-ta bao gồm nhiều hoạt động tín ngưỡng, phong tục, tập quán đặc trưng diễn ra đan xen lẫn nhau. Các nghi lễ chính có thể kể đến như lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Đôn Ta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (Chun Đôn Ta).
Gắn liền trong đời sống của người Khmer, lễ hội Sen Đôn-ta là hoạt động tín ngưỡng truyền thống chứa đựng những giá trị văn hóa cao đẹp, ý nghĩa nhân văn sâu sắc được bà con ra sức giữ gìn và bảo tồn từ bao đời qua.
8. Lễ hội Dâng Y Kathina
Mang đậm văn hóa tín ngưỡng Phật Giáo Nam Tông của người Khmer, lễ hội Dâng Y Kathina là nghi lễ Phật tử dâng áo cà sa và vật phẩm lên các nhà sư để thể hiện sự tôn kính và mong muốn nhận được nhiều phúc đức.
Hằng năm, mỗi một ngôi chùa Khmer sẽ tổ chức lễ Dâng Y Kathina một lần vào một ngày bất kì trong một tháng sau mùa an cư kiết hạ kết thúc. Được biết, an cư kiết hạ là khoảng thời gian ba tháng mà các sư tăng tập hợp tại một ngôi chùa chuyên tâm tu học.
Lễ hội Dâng Y Kathina
Trong ngày diễn ra lễ hội Dâng Y Kathina, các Phật tử sẽ lần lượt dâng lên các nhà sư trong chùa y phục và nhiều vật phẩm khác nhau. Đặc biệt, các Phật tử phải thực hiện nghi lễ bằng chân trần và đội vật phẩm trên đầu.
Kết thúc nghi lễ dâng y phục và vật phẩm, các nhà sư sẽ thực hiện diễu hành 3 vòng quanh chùa và tục kinh cầu an.
9. Lễ hội Chùa Ông Bổn
Đối với cộng đồng người Hoa sinh sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thì lễ hội Chùa Ông Bổn được xem là một trong những nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống.
Được tổ chức vào rằm tháng giêng hằng năm tại Chùa Ông Bổn – thành phố Sóc Trăng, lễ hội Chùa Ông Bổn diễn ra với sự tham gia của đông đảo bà con người Hoa tại địa phương.
Lễ hội Chùa Ông Bổn
Vào ngày diễn ra lễ hội Chùa Ông Bổn, bà con thường mang lễ vật đến chùa cúng bái, cầu ước những điều tốt đẹp và may mắn nhất đến cho gia đình. Vật phẩm dâng lên trong ngày lễ thường là heo quay, heo sống, gà luộc, trái cây, nhang đèn…
Trong buổi lễ Chùa Ông Bổn, nhiều hoạt động giải trí đặc sắc như múa rồng, võ thuật, thể dục thể thao cũng diễn ra trong không khí sôi nổi và náo nhiệt.
10. Lễ hội Phật Đản
Phật Đản là ngày kỉ niệm Đức Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni. Đây là một trong những ngày lễ Phật Giáo lớn và quan trọng. Lễ hội Phật Đản được tổ chức vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hằng năm với sự tham gia của đông đảo Phật tử.
Lễ hội Phật Đản
Tại Sóc Trăng, lễ Phật Đản được tổ chức long trọng với nhiều hoạt động đặc sắc như diễu hành, rước xe hoa, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và các hoạt động từ thiện khác. Không chỉ là ngày lễ quan trọng của các Phật tử, lễ Phật Đản còn thu hút sự tham gia của đông đảo du khách từ khắp nơi.
Vậy là du khách đã tìm hiểu được Top 10 lễ hội đặc sắc không thể bỏ lỡ ở Sóc Trăng. Những thông tin mà Viet Fun Travel vừa chia sẻ ở bài viết trên chỉ là cơ bản. Mọi thắc mắc cần được giải đáp hoặc đặt tour du lịch Miền Tây, du khách vui lòng liên hệ tổng đài 028 7300 6749.
Viet Fun Travel
Mời quý khách đánh giá hay góp ý về "Điểm mặt" Top 10 lễ hội đặc sắc không thể bỏ lỡ ở Sóc Trăng
Nhập đầy đủ các trường thông tin giúp chúng tôi hỗ trợ Quý khách tốt hơn.